Giải khác

Đức thua Nhật: 2 địa chấn, 1 kịch bản và thất bại từ bên trong

Đúng thời điểm xuất hiện những hoài nghi về bóng đá châu Á, Saudi Arabia rồi Nhật Bản bừng sáng để tạo nên những cơn địa chấn.

Trong “thế giới thứ ba” của bóng đá, châu Á vẫn bị đánh giá thua sút với châu Phi. Điều này khá dễ hiểu bởi lục địa đen sở hữu nguồn gen phong phú bậc nhất hành tinh và tạo nên những cầu thủ có thể chất thậm chí ưu việt hơn cả châu Âu hay Nam Mỹ. Bởi vậy Vua bóng đá Pele, một người gốc Phi, mới mạnh dạn dự đoán châu Phi sẽ vô địch World Cup trong thế kỷ 20.

Tuy đã bước qua năm thứ 20 của thế kỷ 21 và chưa giành chức vô địch thế giới thật nhưng quả thực bóng đá châu Phi ngày càng sản sinh ra nhiều ngôi sao hàng đầu, từ Quả bóng vàng George Weah, Didier Drogba, Samuel Eto’o, Yaya Toure cho đến Sadio Mane hay Mohamed Salah. Trong khi đó, cầu thủ được đánh giá vươn tới đẳng cấp cao nhất của bóng đá châu Á là Son Heung Min và tiền đạo người Hàn Quốc đã được xem là một hiện tượng.

Cho dù không cao lớn, nhanh nhẹn, dẻo dai hay dũng mãnh như các cầu thủ châu Phi song sự phát triển của khoa học lẫn kỹ chiến thuật trong bóng đá đã giúp các cầu thủ cũng như đội tuyển châu Á thu hẹp khoảng cách trình độ với các nền bóng đá đỉnh cao.

Sự “thu hẹp” này phần nào bị hoài nghi sau những ngày đầu tiên của World Cup 2022, khi chủ nhà Qatar chơi như đội bóng làng trước Ecuador vốn cũng chẳng phải hùng bá gì và Iran, đội tuyển châu Á có thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng FIFA thì đại bại 2-6 trước đội tuyển Anh. Từ những kết quả này, một số ý kiến thiển cận lập tức rút ra kết luận rằng bóng đá châu Á vẫn còn quá yếu kém để chinh chiến tại sân chơi thế giới.

Nhưng, quả báo liền tay, ngay sau đó, Saudi Arabia đả bại Argentina của Messi còn Nhật Bản vừa mới hạ gục tuyển Đức. Điều đáng nói, Saudi Arabia hay Argentina không hề chơi thứ bóng đá tử thủ hay cậy nhờ sự trợ giúp của trọng tài để chiến thắng. Họ bị dẫn trước, thi đấu kiên cường, và ngược dòng ngoạn mục để tạo nên những cơn địa chấn. Thế nên, dù kết quả cuối cùng thế nào đi chăng nữa có thể vỗ ngực tự hào rằng bóng đá châu Á đã tiến chặng đường rất xa.

Đi sâu vào cơn địa chấn vừa xảy ra, y hệt như trận Saudi Arabia đấu với Argentina, Nhật Bản vẫn bị Đức áp đảo và vượt lên dẫn trước trong hiệp một, từ tình huống đá phạt đền. Nhưng sang hiệp hai, thế trận đổi chiều, đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc ghi 2 bàn để thắng ngược 2-1.

Tuy nhiên, nếu Saudi Arabia và Argentina là sự tương phản giữa tập thể nội địa và ngôi sao hải ngoại thì hai nền bóng đá Nhật Bản và Đức lại có nhiều điểm tương đồng. Hai đặc tính căn bản của Cỗ xe tăng và Xamurai Xanh là tính tổ chứ và cường độ. Tính từ tháng 8/2021 đến nay, bình quân mỗi trận tuyển Đức giành lại bóng 7,4 lần trên 1/3 sân ở phía cầu môn đối phương. Số liệu này thể hiện sự hiệu quả của Die Mannschaft trong chiến thuật pressing tầm cao thời thượng ngày nay. Trong số 32 đội dự World Cup, Đức là đội xếp nhì ở chỉ số này. Đứng nhất là Nhật Bản.

Mối liên hệ giữa Đức và Nhật càng khăng khít hơn khi có 8 “chiến binh Samurai”, gần 1/3 danh sách, đang chinh chiến tại các mặt trận Bundesliga. Đó là những cái tên khá quen thuộc như Wataru Endo, Ritsu Doan, Daichi Kamada, Maya Yoshida…

Dĩ nhiên, xét về đẳng cấp, những Kimmich, Muller hay Gundogan vẫn vượt trội. Điều đó được thể hiện trong hiệp 1. Thủ thành Shuichi Gonda trở nên đơn độc một cách tội nghiệp khi phải chống đỡ những pha bắn phá liên tiếp từ các tuyển thủ Đức. Tuy nhiên, giống như người đồng nghiệp ở Saudi Arabia, Gonda đã có một thành thi đấu xuất thần với 8 lần cứu thua, trong có có những pha cản phá với phản xạ xuất thần.

Nếu như Saudi Arabia cả 45 phút đầu không sút nổi 1 quả về phía khung thành Argentina thì chỉ số bàn thắng kỳ vọng của Nhật Bản trong hiệp 1 trận đấu với Đức chỉ là 0,11xG. Thông số này bên phía Die Mannschaft là 1,68 cho 14 pha dứt điểm. Ngoài ra, Samurai Xanh chỉ cầm bóng vỏn vẹn 19%. Đội tuyển Đức áp đảo thế trận đến mức thủ thành Neuer lập luôn kỷ lục World Cup về số đường chuyền trong một trận đấu, với 51 đường chuyền.

Từ đó, tâm lý chủ quan bắt đầu này sinh. Và kiêu binh thì tất bại. Tận dụng sự thiếu tập trung của hàng thủ Đức, Ritsu Doan và Takamu Asano, những cầu thủ đang chơi bóng ở Đức, đã ghi bàn ở các phút 75, 84 giúp Nhật Bản vượt lên dẫn bàn. Bị dồn ép ở cuối trận, đặc biệt trong 7 phút bù giờ, Nhật Bản vẫn chơi kiên cường và bảo toàn chiến thắng 2-1.

Từ xứ sương mù, tờ Daily Mail bình luận: "Nhật Bản, đội yếu hơn, đã tạo nên cơn sửng sốt thứ hai tại World Cup 2022, chỉ trong vòng có 24 tiếng đồng hồ. Nhật Bản ghi 2 bàn thắng muộn làm choáng váng đội Đức. Cả hai người ghi bàn cho Nhật Bản đều đang chơi bóng cho các CLB của Đức". Thế nên, có thể nói, Đức đã thua từ bên trong, từ những cầu thủ đang chơi ở trong giải quốc nội của Đức và bởi tâm lý chủ quan bên trong các tuyển thủ Đức.