Thế giới

Đức muốn tận dụng đường ống Nord Stream 2 để nhận LNG?

Tác động từ xung đột Nga-Ukraine đang làm trầm trọng thêm mối lo của Đức về nguy cơ thiếu hụt năng lượng kéo theo thiệt hại kinh tế.

Chính phủ Đức đang xem xét việc chuyển đổi các bộ phận của đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) thành đường kết nối cho một nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bên bờ Biển Baltic, Reuters đưa tin, dẫn nguồn một tạp chí của Đức.

Cụ thể, tạp chí Der Spiegel đưa tin hôm 24/6 rằng, Bộ Kinh tế Đức đang xem xét trưng thu một phần của hệ thống đường ống nằm trên lãnh thổ Đức bằng cách cắt nó khỏi phần còn lại của đường ống. Der Spiegel đưa tin nhưng không trích dẫn bất kỳ nguồn nào.

Nga đã cảnh báo, các luật sư sẽ vào cuộc nếu Đức thực hiện các bước như vậy.

Tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom đã hoàn thành dự án đường ống Nord Stream 2, được thiết kế để tăng gấp đôi dòng khí đốt của Nga trực tiếp đến Đức, vào cuối năm ngoái, nhưng nó vẫn chưa bao giờ được đưa vào sử dụng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố dự án sẽ không đi vào hoạt động ngay trước khi Nga phát động tấn công quân sự vào Ukraine hồi cuối tháng 2.

Dòng khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức đã giảm trong nhiều tuần. Lo ngại nguy cơ thiếu hụt năng lượng gây thiệt hại về kinh tế, Đức đang gấp rút tìm kiếm địa điểm xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhận LNG mua từ thị trường giao ngay thế giới.

Đức đã thuê 4 tàu sân bay chuyên dụng, được gọi là FSRU, để tái khí hóa LNG trên biển và đưa nó vào các hệ thống đường ống trên bờ.

Một cơ sở tiếp nhận LNG bên bờ Biển Baltic, bên cạnh những cơ sở đã có tại Wilhelmshaven và Brunsbuettel bên bờ Biển Bắc, sẽ giúp mở rộng đáng kể công suất khí đốt cho Đức.

Tạp chí Der Spiegel cho biết, miền Đông và miền Nam nước Đức đặc biệt phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt của Nga và sẽ được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa nguồn cung.

Minh Đức (Theo Reuters)