Thế giới

Đức muốn giảm leo thang xung đột Nga - Ukraine

Cho đến nay, Đức đã gửi 1.000 vũ khí chống tăng, 500 tên lửa đất đối không và 2.700 tên lửa từ thời Liên Xô tới Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa lần đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Đức vào sáng ngày 17/3 thông qua liên kết video.

Đây là một trong những bài phát biểu ông Zelensky đã thực hiện nhằm trực tiếp kêu gọi sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới cho Ukraine sau khi Nga tiến hành tấn công quân sự vào quốc gia Đông Âu này.

Sau khi phát biểu trước Quốc hội Canada vào đầu tuần này, Tổng thống Ukraine hôm 16/3 đã phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ và kêu gọi các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn đối với Điện Kremlin và những người được cho là hậu thuẫn cho Nga trong cuộc tấn công quân sự này.

Ông Zelensky lý luận rằng "Hòa bình quan trọng hơn thu nhập".

NATO vẫn loại trừ việc tham gia vào cuộc giao tranh giữa Ukraine và Nga, khi cuộc chiến đã bước sang tuần thứ tư. Ảnh: DW

Lập trường của Đức về Ukraine

Để phản ứng với cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine bùng nổ từ hôm 24/2, Chính phủ Đức đã chấp thuận cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cho đến nay, Đức đã gửi 1.000 vũ khí chống tăng, 500 tên lửa đất đối không và 2.700 tên lửa từ thời Liên Xô tới Ukraine.

Tuần này, Đức cũng tuyên bố sẽ mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ Mỹ, được coi là máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 27/2 tiết lộ kế hoạch đầu tư 100 tỷ Euro để nâng cấp lực lượng vũ trang của nước này và tăng chi tiêu quốc phòng lên trên 2% GDP.

Một loạt các động thái trên đã đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng lâu đời và đảo ngược chính sách của Đức về “không gửi vũ khí đến các khu vực có xung đột”.

Nhưng Đức vẫn phản đối việc NATO can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine bằng các biện pháp quân sự, nhấn mạnh rằng việc giảm leo thang là rất quan trọng.

Đầu tháng này, Ba Lan đã đề nghị gửi 28 máy bay chiến đấu MiG của mình tới Ukraine thông qua việc sử dụng Căn cứ Không quân Mỹ ở Ramstein, Đức, với điều kiện NATO sẽ ủng hộ động thái này. Nhưng cả Đức và Mỹ đều từ chối ủng hộ đề xuất này.

Thủ tướng Scholz cho biết vào thời điểm đó: "Chúng tôi muốn giảm leo thang xung đột, chúng tôi muốn thấy sự kết thúc của cuộc xung đột này".

*Múi giờ Việt Nam trước giờ Đức 6 tiếng.

Minh Đức (Theo DW)