Thế giới

Đức lập quỹ đặc biệt để củng cố quân đội

Chính phủ Đức và phe đối lập đã thống nhất về việc lập quỹ 107 tỷ USD để hiện đại hóa quân đội liên bang cũng như mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng.

Theo AFP, tối 29/5, liên minh cầm quyền ở Đức gồm ba Đảng Dân chủ xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP) và liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) đối lập thông báo đã thống nhất về việc lập quỹ đặc biệt để củng cố quân đội liên bang và mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.

Thỏa thuận đạt được sau nhiều tuần đàm phán khó khăn giữa các bên. Theo đó, 100 tỷ euro (tương đương 107 tỷ USD) sẽ được rót vào một quỹ đặc biệt ngoài ngân sách quốc gia. Tiền cung cấp cho quỹ đặc biệt này sẽ từ nợ bổ sung.

Do vi phạm quy tắc "phanh nợ" được ghi trong hiến pháp, vốn giới hạn việc vay nợ của chính phủ, chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz cần sự ủng hộ của phe đối lập bảo thủ để đạt tối thiểu 2/3 phiếu ủng hộ tại quốc hội để thông qua sửa đổi hiến pháp cho phép thành lập quỹ.

Liên minh cầm quyền sẽ phải đưa ra kế hoạch tài chính với các dự án mua sắm cụ thể cho quân đội liên bang trước kỳ nghỉ hè của Quốc hội.

Quỹ sẽ giúp tăng ngân sách thường xuyên cho quốc phòng khoảng 50 tỷ euro trong vài năm, hướng tới đáp ứng mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là chi hằng năm 2% GDP cho quốc phòng.

Tuy nhiên, với Đức, để đạt mục tiêu 2% GDP cho quốc phòng hằng năm, số tiền phải chi là gần 70 tỷ euro. Theo thông cáo của liên minh cầm quyền và liên đảng bảo thủ, Đức có thể đạt mục tiêu này trong những năm tới dù không nhất thiết phải đạt mục tiêu này mỗi năm. Tiền quỹ sẽ được bổ sung khi sử dụng hết.

Trước đó, cuối tháng 2, Thủ tướng Scholz đã đề xuất khoản ngân sách đặc biệt 100 tỷ euro để tái vũ trang quân đội Đức và hiện đại hóa trang thiết bị lạc hậu của lực lượng này trong vài năm tới, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Cấp thêm ngân sách quốc phòng là động thái đảo ngược chính sách lớn của Đức, quốc gia hứng nhiều chỉ trích từ Mỹ và đồng minh vì ngần ngại thực hiện cam kết chi tiêu quân sự tương đương 2% GDP trong những năm gần đây.

Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, Đức đã giảm đáng kể quy mô quân đội của nước này, từ khoảng 500.000 người vào năm 1990 xuống chỉ còn 200.000 người hiện nay. Theo báo cáo công bố vào tháng 12/2021 về quân đội Đức, có chưa tới 30% tàu hải quân Đức "hoạt động hoàn toàn". Nhiều máy bay chiến đấu của nước này không đủ điều kiện để bay.

Theo AFP, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã khiến Đức suy nghĩ lại. Gần đây, Đức tăng cường ủng hộ vũ khí, trang bị cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Đức tháng trước cho biết sẽ chuyển giao 15 hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard đầu tiên cùng 60.000 viên đạn cho Ukraine để bảo vệ mục tiêu trọng yếu vào tháng 7. Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht hồi đầu tháng 4 cũng thông báo Đức sẽ chuyển cho Ukraine 7 tổ hợp pháo tự hành PzH 2000 cỡ nòng 155 mm.

Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Tuổi Trẻ Online)