Thế giới

Đức khuyến nghị về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi

Theo Ủy ban Tiêm chủng thường trực của Đức, đáp ứng miễn dịch ở trẻ em từ 5-11 tuổi sau tiêm phòng tương đương đáp ứng miễn dịch ở người lớn đã tiêm phòng.

Ủy ban Tiêm chủng thường trực của Đức (STIKO) khuyến cáo trẻ em từ 5-11 tuổi chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, đặc biệt là trẻ có bệnh nền. Do đó, tiêm vắc-xin sẽ giúp giảm hiệu quả tỉ lệ mắc bệnh.

Theo TTXVN, STIKO cho biết, trẻ em và thanh thiếu niên mắc Covid-19 thường chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Nhưng trong một số ít trường hợp, một số biến chứng nặng vẫn có thể xảy ra, đặc biệt đối với trẻ em bị bệnh nền.

Ngay cả những trẻ ban đầu không phát hiện triệu chứng cũng có thể mắc phải các hội chứng thứ phát sau này như mệt mỏi, kiệt sức nhanh chóng khi gắng sức, rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung; thậm chí xuất hiện các vấn đề về tim mạch, rối loạn giấc ngủ và trầm cảm.

Theo STIKO, nghiên cứu cho thấy vắc-xin dành cho trẻ em của hãng BioNTech/Pfizer (Mỹ-Đức) có thể giảm nguy cơ mắc Covid-19 một cách hiệu quả.

Sử dụng vắc-xin ở trẻ em từ 5-11 tuổi với nồng độ chỉ 10 microgam mỗi liều làm giảm 90,7% nguy cơ mắc Covid-19. Đáp ứng miễn dịch (được đo bằng lượng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2) ở trẻ em lứa tuổi này đã sau tiêm phòng tương đương đáp ứng miễn dịch ở người lớn đã tiêm phòng.

Chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở hai nhóm trẻ em từ 12-18 tuổi và 5-11 tuổi đã giúp giảm đáng kể tỉ lệ mắc bệnh. Do đó, STIKO khuyến cáo đối với trẻ em từ 5-11 tuổi bị bệnh nền, cha mẹ nên cho con đi tiêm phòng Covid -19, kể cả các mũi cơ bản lẫn mũi tăng cường.

Đối với trẻ em không bị bệnh nền, nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng do Covid-19 đến mức phải nhập viện ở mức thấp. STIKO không đưa ra bất kỳ khuyến nghị tiêm chủng nào cho trẻ từ 5-11 tuổi không mắc bệnh nền.

Trước đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khuyến nghị trẻ em 5-11 tuổi đã mắc Covid-19 vẫn nên tiêm vắc-xin để củng cố khả năng miễn dịch và ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm.

Theo các chuyên gia của CDC, việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 sau khi mắc bệnh sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ để chống lại sự xâm nhập của virus trong tương lai. Vắc-xin Pfizer/BioNTech, loại vắc-xin ngừa Covid-19 duy nhất hiện nay được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và CDC cấp phép sử dụng cho trẻ em từ 5-11 tuổi cho thấy hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa bệnh ở nhóm đối tượng này. Không những vậy, việc tiêm vắc-xin sau khi đã mắc bệnh cũng cung cấp khả năng miễn dịch đặc biệt giúp người bệnh ngăn ngừa hàng loạt biến thể của SARS-CoV-2. Ngoài ra, nếu tái nhiễm thì tình trạng bệnh cũng sẽ ít nghiêm trọng hơn.

Vì những lợi ích trên, CDC khuyến nghị phụ huynh vẫn nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi ngay cả khi đã mắc bệnh. Theo đó, trẻ em sẽ được chủng ngừa bằng 2 liều vắc-xin Pfizer/BioNTech 10 microgam cách nhau 3 tuần. Khác với người lớn, trẻ em 5-11 tuổi chưa cần tiêm thêm liều tăng cường. Nếu đang nhiễm bệnh, bố mẹ cần chờ đến khi trẻ khỏi hoàn toàn (thường là 4 tuần sau khi được chẩn đoán mắc bệnh) để tiêm chủng cho con.

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VnExpress)