Thế giới

Đức chi hàng tỷ USD nhập khẩu năng lượng từ Nga

Chi phí năng lượng leo thang khiến những nỗ lực của Đức trong việc cắt giảm giao thương với Nga trở nên khó thành hiện thực.

Đức đã chi 2,9 tỷ Euro (2,95 tỷ USD) nhập khẩu hàng hóa từ Nga vào tháng 7, theo dữ liệu Cục Thống kê Liên bang Đức công bố hôm 12/9.

Giá trị nhập khẩu của Đức từ Nga trong tháng 7  tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do giá cả leo thang, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Việc Nga giảm dần nguồn cung khí đốt sang châu Âu, sau đó khóa hẳn đường ống Nord Stream 1 sau 3 ngày bảo trì (dự kiến mở lại vào ngày 2/9) đã khiến hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình và doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng vọt, lạm phát leo thang.

Chính vì vậy, Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 4/9 đã đồng ý về một kế hoạch cứu trợ trị giá khoảng 65 tỷ Euro, bên cạnh việc hỗ trợ giảm cước phí vận tải công cộng và giảm thuế cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng, từ đó giảm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng Đức.

Trong tháng 7, Đức đã nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên từ Nga trị giá 1,4 tỷ Euro, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu than cốc và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trị giá 0,5 tỷ Euro, tăng 72,5% và nhập khẩu than của Nga tăng hơn gấp đôi về giá trị lên 0,3 tỷ Euro.

Trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Đức nhập khẩu 50% than, 55% khí đốt và 35% dầu từ Nga.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck Đức tuyên bố Đức có kế hoạch giảm một nửa lượng dầu nhập khẩu từ Đức vào giữa năm, và gần như giảm hẳn vào cuối năm. Cũng theo kế hoạch này, việc nhập khẩu than từ Nga sẽ kết thúc vào mùa thu.

Ông Habeck cũng khẳng định rằng các hợp đồng nhập khẩu năng lượng với các công ty Nga sẽ không được gia hạn. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng Đức vẫn phải nhập khí đốt của Nga đến giữa năm 2024.

Mặc dù giá trị nhập khẩu từ Nga tăng, dữ liệu cho thấy Đức đã có thể giảm 45,8% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Nga trong tháng 7.

Trong khi đó, xuất khẩu của Đức sang Nga giảm 56,8% về giá trị do Đức tăng cường kinh doanh xuất khẩu sang Mỹ, Pháp và Hà Lan.

Nguyễn Tuyết (Theo Euronews, Bloomberg, DW)