Thế giới

Đức cân nhắc chi 2 tỷ Euro mua lá chắn chống tên lửa của Israel

Radar của lá chắn tên lửa mà Đức dự định mua mạnh đến mức có thể giúp bảo vệ cả Ba Lan, Romania và các quốc gia Baltic.

Thủ tướng Olaf Scholz hôm 27/3 cho biết, Đức đang xem xét việc mua một hệ thống lá chắn chống tên lửa của Israel, AFP dẫn nguồn truyền thông Đức đưa tin.

"Tôi có thể tiết lộ với quý vị rằng đó chắc chắn là một trong số những điều chúng tôi đang thảo luận và vì những lý do chính đáng", Thủ tướng Scholz nói với kênh truyền hình nhà nước Đức ARD.

Các bình luận của Thủ tướng Đức đã xác nhận các tuyên bố trước đó từ các nguồn Quốc hội Đức hôm 27/3.

"Chúng ta phải tự bảo vệ mình tốt hơn trước mối đe dọa từ Nga", ông Andreas Schwarz, thành viên Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức, nói với tờ nhật báo Bild. “Để làm được điều đó, chúng ta cần gấp một lá chắn phòng thủ tên lửa trên toàn nước Đức”.

"Hệ thống Arrow 3 của Israel là một giải pháp tốt", ông bổ sung, đề cập đến một tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm xa do quốc gia Trung Đông sản xuất.

Theo tờ Bild của Đức, tổ hợp này có giá 2 tỷ Euro, có thể đi vào hoạt động từ năm 2025.

Hệ thống radar tương ứng sẽ được lắp đặt tại 3 địa điểm ở Đức, và dữ liệu giám sát của chúng sau đó được truyền đến một địa điểm trung tâm, nơi binh sĩ sẽ theo dõi các mối đe dọa 24/7.

Nếu một cuộc tấn công bằng tên lửa được phát hiện, Arrow 3 sẽ được kích hoạt để đánh chặn tên lửa trong không gian, phá hủy nó ở đó.

Hệ thống radar mạnh đến mức có thể giúp bảo vệ cả Ba Lan, Romania và các quốc gia Baltic, tờ Bild cho biết.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 được chuyển giao cho Không quân Israel vào ngày 18/1/2017. Ảnh: Times of Israel

"Chúng ta có thể đặt tổ hợp phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt, cũng do Israel sản xuất) trên các quốc gia láng giềng của chúng ta. Như vậy, chúng ta sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với an ninh của châu Âu", ông Schwarz nói.

Bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, xác nhận rằng Berlin đang cân nhắc thương vụ này.

Động thái của Berlin là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh nhiều mối đe dọa đang hiện hữu xung quanh, bà Strack-Zimmermann nói với tờ Welt của Đức.

Sau nhiều năm hạn chế đầu tư quốc phòng, kể từ khi xung đột vũ trang Nga – Ukraine bùng nổ, nước Đức đã nhanh chóng thực hiện một số động thái mang tính bước ngoặt: Tăng chi tiêu quốc phòng lên trên 2% GDP, cam kết đầu tư 100 tỷ Euro để nâng cấp lực lượng vũ trang, đảo ngược chính sách lâu đời “không gửi vũ khí đến các khu vực xung đột”, gửi vũ khí cho Ukraine.

Minh Đức (Theo The Straits Times, DW)