Tài chính - Ngân hàng

Đua nhau xả hàng phiên ATC, dòng tiền vẫn đứng ngoài quan sát

Thị trường tiếp tục nỗ lực hồi phục, nhóm ngân hàng là điểm sáng của phiên, tuy nhiên áp lực bán tại phiên ATC khiến VN-Index thu hẹp mức tăng.

Nhờ sắc xanh đồng thuận từ các nhóm ngành, VN-Index đầu tháng 11 đã khởi động bằng sắc xanh hồi phục, tăng 10 điểm lên 1.038,04 điểm, riêng nhóm VN30 có đến 22 mã tăng, tiêu biểu là VHM, STB, TPB, GAS, PLX, PVL,….

Càng về giữa phiên, thị trường càng tăng mạnh hơn, có lúc lên đến 1.042,81 điểm, đà hồi phục lan toả hầu hết các nhóm ngành, điển hình là ngân hàng với cổ phiếu STB của Sacombank đã tăng đến mức kịch trần, theo sau là LPB, MBB, SHB, TCB, TPB cũng ghi nhận mức tăng trên 3%.

Thị trường tạm dừng phiên giao dịch sáng hồi phục lên mốc 1.034,44 điểm, tăng 6,5 điểm, tương đương 0,63%. HNX-Index tăng 0,93 điểm, tương đương 0,44% lên 211,36 điểm, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,04 điểm, tương đương 0,05% lên 76,33 điểm.

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 1/11 (Nguồn: VDSC).

Sang đến phiên chiều, thị trường vẫn duy trì được sắc xanh, tuy nhiên dòng tiền vẫn đứng ngoài cho thấy nhà đầu tư chưa thực sự tin tưởng vào bước đi của thị trường.

Các mã cổ phiếu vốn hoá lớn vẫn là trụ đỡ quan trọng khi càng nhiều mã tăng thì VN-Index cũng sẽ được cải thiện theo, điển hình trong phiên có nhóm bất động sản đang diễn biến tích cực như DIG tăng 6,2%, VRE tăng 5,7%, CEO tăng 5,2%, CII tăng 4,9%, LDG tăng 4,3%,….

Tuy nhiên đến phiên ATC áp lực bán mạnh đã khiến đà hồi phục có phần suy giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/11, VN-Index đã tăng 5,81 điểm lên 1.033,75 điểm. Toàn sàn ngập sắc xanh với 274 mã tăng, 182 mã giảm và 72 mã đứng giá.

HNX-Index cũng tăng 1,93 điểm lên 212,36 điểm. Toàn sàn có 95 mã tăng, 69 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,20 điểm lên 76,49 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 17 mã tăng, 9 mã giảm và 4 mã tham chiếu.

VCB tiếp tục là cổ phiếu dẫn đầu thị trường, là đại diện nhóm chứng khoán nằm trong nhóm tác động tích cực tới chỉ số với mức tăng 2,04% lên 75.000 đồng/cổ phiếu, theo sau là các cổ phiếu bank khác như VPB, TCB, STB, MBB, OCB, ACB,… Tuy nhiên, vẫn rải rác các mã đỏ lửa ngược chiều thị trường như BID giảm 1,45%, CTG giảm 0,61%, EIB giảm 2,7%,…

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh vĩ mô như hiện nay, nhà đầu tư có thể tìm cơ hội ngắn hạn tại dòng ngân hàng, dó đó ngân hàng trở thành anh cả gánh chỉ số của thị trường

Ở chiều ngược lại, nhóm ngành lại kéo chỉ số xuống vẫn tiếp tục thép với HPG của đại gia Trần Đình Long giảm 4,15%, NKG của Nam Kim cũng không khá hơn giảm 4,8%, DTL giảm 1,91%,…

Sự phân hoá của các nhóm ngành trong phiên.

Ngành bán lẻ cũng không khả quan hơn khi MWG giảm 2,91% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III với chi phí tài chính tăng mạnh, rủi ro chuỗi cung ứng tăng, doanh nghiệp tạm dừng mở mới cửa hàng ở tất cả các chuỗi của hãng.

Thanh khoản thị trường tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu trong rổ VN30, tuy nhiên không cải thiện lắm so với phiên hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.843 tỷ đồng, giảm 5% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 6% xuống 10.738 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt hơn 5.339 tỷ đồng.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, khối này bán ròng đến 764,84 tỷ đồng sau 1 phiên mua ròng, trong đó giải ngân 569 tỷ đồng và bán ra 1.395 tỷ đồng. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã VRE 27 tỷ đồng, VCI 21 tỷ đồng, DIG 14 tỷ đồng, VPB 14 tỷ đồng,…

Tại phía bán ròng khớp lệnh, nhà đầu tư ngoại chủ yếu rút vốn khỏi cổ phiếu HPG 521 tỷ đồng, đây cũng là nguyên nhân khiến thị giá của cổ phiếu nhà Hoà Phát giảm sâu. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã KBC 119 tỷ đồng, STB 44 tỷ đồng, SSI 37 tỷ đồng,….