Tiêu dùng & Dư luận

Đưa đặc sản "lên sàn"

Trước những khó khăn của dịch Covid-19, các sàn TMĐT đang từng bước trở thành một kênh bán hàng mới hiệu quả đưa sản phẩm địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản vẫn đang từng bước thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Dịch Covid – 19 khiến việc tiêu thụ sản phẩm qua kênh bán hàng trực tiếp bị gián đoạn. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mạnh dạn đẩy mạnh hình thức kinh doanh trực tuyến, trong đó, lên sàn thương mại điện tử là sự lựa chọn nổi bật để đưa sản phẩm đến rộng rãi và gần hơn với người tiêu dùng, từng bước cạnh tranh với nông sản ngoại nhập.

10 triệu hộ nông dân “lên sàn”

Những ngày tháng 8 năm 2021, na Chi Lăng (Lạng Sơn) chín rộ khi cả nước gồng mình chống dịch. Từ một loại quả đặc sản cho giá trị cao, na Chi Lăng lần đầu tiên đối mặt với nỗi lo sẽ không thể tìm được đầu ra trong bối cảnh giãn cách trên diện rộng.

Kịp thời tìm một giải pháp cho na Chi Lăng, ngay thời điểm đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam bên cạnh việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart cũng đồng thời quyết định giảm giá cước vận chuyển để phục vụ khách hàng tốt nhất trong thời gian một số tỉnh giãn cách xã hội. Theo đó, Vietnam Post đã bố trí các loại xe vận chuyển chuyên dụng cấp giấy thông hành “luồng xanh” (qua mã QR Code) để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tại Lạng Sơn nhanh chóng đưa sản phẩm đến địa chỉ mua hàng. Thời gian vận chuyển na tối đa không quá 48 tiếng để đảm bảo độ tươi ngon, chất lượng của loại trái cây này khi đến tay người tiêu dùng. Giải pháp kịp thời này đã góp phần giúp trái na Chi Lăng có một mùa không chỉ bớt khó về đầu ra mà còn thu được giá trị rất cao.

Cùng với na Chi Lăng, những năm qua, hàng loạt các loại nông sản đã mở rộng kênh tiêu thụ nhờ được đưa thành công lên các sàn TMĐT. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) trong năm 2021, hai sàn TMĐT của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là Postmart.vn và sàn TMĐT Voso của Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã đưa hơn 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT để mở ra một kênh tiêu thụ mới cho nông sản, đặc sản cho bà con nông dân trên toàn quốc.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình 1034 do Bộ TTTT ban hành năm 2021 và thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp qua kênh TMĐT, Bộ TTTT đã ban hành Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022. Kế hoạch đặt ra mục tiêu đưa 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn nhằm gia tăng các giá trị, thương hiệu nông sản trên sàn TMĐT thuần Việt.

Nâng tầm nông sản bằng thương hiệu "OCOP 5 sao"

Ngay từ đầu, tỉnh Thái Nguyên đã nhận thức chuyển đổi số phải đi trước, đi nhanh mở đường cho sự bứt phá và phát triển trong tương lai, bên cạnh những nỗ lực trong công tác triển khai thực hiện nhiều nội dung trong Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương cùng VNPost, ViettelPost triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo đúng nội dung tại Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 07/10/2021 của UBND tỉnh. Đó là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản, cung cấp thông tin, hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên giao dịch trên các sàn TMĐT đối với 100% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh theo kế hoạch.

Đóng gói chè để bán trên sàn thương mại điện tử.

Chè đinh Tân Cương nổi tiếng bởi từng nõn chè non, chất lượng nhất được lựa chọn tỉ mỉ trên một số đồi chè chăm bón tốt nhất của vùng. Để có được 1kg trà đinh khô, cần 20 người hái chè chuyên nghiệp hái trong khoảng 2 tiếng đồng hồ và phải hái vào thời điểm thích hợp nhất.

Các nõn chè sau khi được hái sẽ trải qua quá trình chế biến của một trong ba nghệ nhân sao chè thủ công nổi tiếng nhất vùng chè Tân Cương. Sau khi sao chế, từng nõn chè Đinh trở nên săn chắc, nhỏ như đầu đinh và đều nhau tăm tắp.

Nếu như trước đây, loại đặc sản này chỉ bán qua các hình thức truyền thống, thì nay chè đinh Tân Cương đã lên sàn thương mại điện tử, có thể đến tay người tiêu dùng cả nước chỉ trong vòng 2-3 ngày đặt hàng.

Trên Postmart, gần 40 sản phẩm của Thái Nguyên được giới thiệu, bày bán. Tương tự, trên sàn Vỏ sò của Viettel, hơn 100 sản phẩm của tình này được bán. Theo đại diện các sàn, số lượng sản phẩm sẽ tăng trong thời gian tới nhờ sự phối hợp giữa các đơn vị và cơ quan chức năng, cùng các hộ sản xuất kinh doanh.

Theo Sở NN-PTNT Thái Nguyên, thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, đơn vị này đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị Bưu điện Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên,... hỗ trợ 55.000 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn mở gian hàng, khoảng 1.500 sản phẩm được bán trên sàn.

Còn theo Sở TTTT Thái Nguyên, tính đến 2/2022, hơn 60.000 hộ dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng. Số hộ sản xuất nông nghiệp được mở gian hàng trên hai sàn Postmart và Vỏ Sò hơn 54.000 hộ. Số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn hơn 2.000 mặt hàng. Số lượng sản phẩm OCOP được đưa lên sàn gần 150 sản phẩm.

Chính sự thính ứng lên sàn thương mại điện tử trong bối cảnh mới, nhiều nông sản đã được tiêu thụ nhanh chóng. Đơn cử, năm 2021, hơn 80 tấn na Võ Nhai đã được tiêu thụ thông qua kênh mới này.

Là một trong những hợp tác xã sớm sử dụng thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc hợp tác xã miến Việt Cường cho biết, với sự hỗ trợ của Bưu điện tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2021 Hợp tác xã đã bắt đầu đưa 4 sản phẩm chính là miến dong, miến tỏi đen, miến sắn dây và miến khoai lang lên giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Thời gian đầu không ai có thể ngờ các sản phẩm miến có thể tiêu thụ nhanh và đến tay được với đông đảo người tiêu dùng xa đến vậy. Bất ngờ hơn những sản phẩm kinh doanh trên nền tảng số đã giúp Việt Cường tăng gấp đôi doanh số bán hàng. Lần đầu tiên, hợp tác xã miến Việt Cường đạt mốc doanh thu 20 tỷ đồng so với năm 2020 là 10 tỷ đồng.

“Hợp tác xã miến Việt Cường trong một thời gian dài chủ yếu bán, tiêu thụ sản phẩm ở các chợ truyền thống. Hơn một năm chở lại đây, nhờ có Bưu điện tỉnh hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart việc kinh doanh của chúng tôi đã phát triển một cách vượt bậc. Việc đóng hàng, vận chuyển hàng được Bưu điện hỗ trợ tại cơ sở của hợp tác xã. Đội ngũ nhân viên Bưu điện đến trực tiếp HTX hỗ trợ đóng gói đúng quy cách, lấy sản phẩm của hợp tác xã để vận chuyển đi. Hợp tác xã chỉ phải lo sản xuất. Trước kia, chúng tôi phải tự đóng gói, vận chuyển bằng xe máy ra bến xe gửi nên rất vất vả”, ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ thêm.

Tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử

Để triển khai chiến lược có hiệu quả, Bộ TTTT đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Hội và Hiệp hội tổ chức nhiều hội nghị cũng như những khoá đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận phương thức kinh doanh mới trên môi trường số.

Ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong năm nay, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ để tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Hội nghị lần này là cơ hội để các doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT hình thành thêm nhiều các “Hộ SXNN số” có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT. Ngoài ra, hội nghị cũng là cơ hội để tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hộ sản xuất nông nghiệp và người dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT, nền tảng số.

Ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TTTT cho biết: Nhằm đồng hành cùng ngành Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trong hỗ trợ người dân chuyển đổi số, Bộ TTTT là đơn vị được chính phủ giao chủ trì xây dựng và phát triển kinh tế số trong đó chú trọng số hoá nông nghiệp và các sản phẩm nông sản đặc sản.

“Ngay từ những ngày đầu thí điểm, chúng tôi đã có những kết quả đáng kể làm tiền đề phát triển cũng như tạo niềm tin cho người nông dân chuyển đổi số. Đơn cử như vải thiều Bắc Giang năm 2021 được chúng tôi hỗ trợ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu rất thành công, tiếp đó là nhiều sản phẩm khác như nhãn xuồng Đồng Tháp, sầu riêng Đăk Lắk và nhiều loại trái cây có tính mùa vụ khác được đưa lên sàn TMĐT đã thực sự mở ra một kênh tiêu thụ mới giúp người nông dân chủ động hơn trong khâu sản xuất và tiêu thụ”, ông Vũ Chí Kiên chia sẻ và đồng thời cho biết, Bộ đang nỗ lực để nông dân cả nước tiếp cận các phương thức mới này, xoá bỏ được hiện trạng được mùa, mất giá, tư thương ép giá nông dân, người tiêu dùng không được tiếp cận sản vật ngon, sạch. Từ đó tạo thương hiệu, vị thế nông sản của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tuệ Minh (tổng hợp)