Chat với chuyên gia

Đưa con đi định cư ở nước ngoài có cần sự đồng ý của chồng cũ không?

Người bố không trực tiếp nuôi con nhưng có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Chị Võ Thị Ngọc Ánh (anhngocv…@gmail.com) hỏi: Tôi đã ly hôn và được quyền nuôi con, con tôi được hơn 3 tuổi. Nay tôi sắp đi định cư ở nước ngoài, tôi muốn đưa con đi cùng thì có bắt buộc phải có sự đồng ý của bố cháu không? Nếu không có sự đồng ý của bố cháu thì con tôi có thể đi cùng tôi không?

Luật sư trả lời:

Pháp luật Việt Nam quy định việc xuất cảnh của trẻ em dưới 14 tuổi chỉ cần có giấy tờ xác nhận có sự đồng ý của bố hoặc mẹ hoặc người đỡ đầu hợp pháp.

Ngoài ra, sau ly hôn, căn cứ vào bản án có hiệu lực của tòa án cấp có thẩm quyền quyết định về việc nuôi con, theo đó người trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 81, Điều 82 của luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Theo khoản 1 Điều 81 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của luật này, bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

Điều 82 của luật này quy định cụ thể nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, trong trường hợp bạn nêu là bố của cháu như sau: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Thông tin của bạn cho thấy, về nguyên tắc, khi ra nước ngoài định cư, bạn hoàn toàn có quyền đưa con đi cùng. Bởi lẽ, bạn là người được tòa án giao quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn, đồng thời, việc đưa con đi là vì quyền và lợi ích tốt nhất cho cháu.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 41 bộ luật Dân sự năm 2015, nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Do vậy, bạn là người trực tiếp nuôi con, việc bạn đi định cư ở nước ngoài và cho con đi cùng là đúng với quy định nêu trên. Bố của cháu có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi con, chính là bạn.

Tuy nhiên cần lưu ý, theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì người cha không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Và chỉ trong trường hợp người cha không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người mẹ trực tiếp nuôi con mới có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Do vậy, có thể nói rằng việc bạn đưa con ra nước ngoài sinh sống bị phản đối bởi người chồng trước đã ly hôn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vậy, bạn nên có sự trao đổi và thoả thuận lại với người chồng đã ly hôn về những điều kiện tốt có thể dành cho trẻ khi đưa trẻ xuất cảnh sang sinh sống tại nước ngoài.

Mọi thắc mắc của bạn về các vấn đề hôn nhân, gia đình sẽ được đội ngũ chuyên gia, luật sư, bác sĩ của "Chát với chuyên gia" trên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp Luật giải đáp một cách chi tiết, tận tình nhất. Hãy gửi những vấn đề của bạn cho chúng tôi theo địa chỉ mail: suachuahonnhan@nguoiduatin.vn

Hoàng Mai