Dân sinh

Dự thảo mới về điều kiện vận tải hành khách sau nới lỏng giãn cách

Trong dự thảo mới Bộ Giao thông Vận tải đã bỏ quy định về tiêm vắc-xin đối với hành khách.

Ngày 25/9, Vietnam+ đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách (lần 2) của 5 lĩnh vực gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, vào ngày 21/9, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng dự thảo và tới ngày 24/9, đơn vị này đã nhận được 17 ý kiến góp ý của một Hiệp hội và 15 địa phương cùng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (chưa có Bộ, ngành nào có ý kiến).

Vì nhu cầu hoàn thiện và triển khai kế hoạch cấp bách, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức tiếp thu, hoàn thiện dự thảo (lần 2) và chính thức có văn bản đề nghị Bộ Y tế có ý kiến góp ý đối với dự thảo này trước 11h ngày 27/9 để Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu, hoàn thiện và ban hành kế hoạch.

Đáng chú ý, bản dự thảo lần 2 ban hành đã có nhiều quy định mới so với trước đó.

Cụ thể, trong dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra kịch bản tại các nơi đang thực hiện Chỉ thị 16 sẽ không tổ chức hoạt động vận tải khách (trừ các trường hợp được cấp có thẩm cho phép), tuy nhiên, sân bay, nhà ga đường sắt vẫn được hoạt động và tiếp nhận khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị 16.

Tại các nơi đang thực hiện Chỉ thị 15 và 19 được tổ chức vận tải khách theo mức độ hạn chế tỉ lệ % xe kinh doanh vận tải, hành khách của từng phương thức vận tải, trong khi ở các địa phương đang thực hiện mức độ bình thường mới sẽ tổ chức vận tải khách hoạt động bình thường với hai phương án được đưa ra.

Theo Tiền phong, tại dự thảo mới nhất, Bộ Giao thông Vận tải đã bỏ 2 phương án quy định đối với hành khách, đồng thời bỏ quy định về tiêm vắc-xin, thay vào đó chỉ yêu cầu: Hành khách khi đi trên phương tiện vận tải (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 19) phải thực hiện nghiêm "Nguyên tắc 5K"; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người tham gia giao thông theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 14 ngày/lần cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Ngoài ra lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải đáp ứng một trong các tiêu chí: Đã tiêm đủ liều vắc-xin, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện, có chứng nhận tiêm chủng trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều của cơ sở tiêm chủng; người đã mắc và khỏi bệnh Covid-19, có Giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện của ngành y tế theo quy định; người có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả). Trường hợp Bộ Y tế ban hành quy định mới về phòng, chống dịch Covid-19 đối với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe thì thực hiện theo quy định mới của Bộ Y tế.

Về tần suất khai thác vận tải hành khách đường bộ bằng xe ô tô, dự thảo của Bộ Giao thông Vận tải quy định đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch không được chở quá 50% số người được phép chở cho đến khi thực hiện trạng thái bình thường mới (trừ xe hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên).

Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh: Sở Giao thông Vận tải hai đầu tuyến tham mưu để UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động lại tuyến cố định liên tỉnh; trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương, Sở Giao thông Vận tải địa phương hai đầu tuyến thống nhất áp dụng thực hiện một trong các giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này): Thực hiện tối đa không vượt quá 40% số chuyến trong 10 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được phê duyệt (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm);

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1): Thực hiện tối đa không vượt quá 60% số chuyến trong 10 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được phê duyệt (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm);

Giai đoạn 3 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 2): Thực hiện tối đa không vượt quá 80% số chuyến trong 10 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được phê duyệt (số chuyến/tháng);

Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới): Được hoạt động trở lại bình thường.

Nếu dự thảo lần 2 này được thông qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra mốc dự kiến kế hoạch này có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2021.

Quốc Tiệp (t/h)