Dù thắng, thua cũng nghiệt ngã vô cùng

Câu chuyện người anh quê Thái Bình, nhường cơ hội chữa bệnh cho em trai, đồng nghĩa, nhận về mình sự đớn đau, rủi ro khiến nhiều người xúc động.

Gửi anh chị em “cây khế, cây sung”

Tuổi thơ, có lẽ ai trong số chúng ta cũng từng biết chuyện ngụ ngôn anh em cây khế, chuyện Tấm Cám. Qua câu chuyện các cụ xưa muốn chuyển tải bài học luân lý, đạo đức đến muôn đời sau. Rằng, khúc ruột trên ruột dưới, cũng dòng máu mẹ cha, phải thương yêu, bảo bọc, chia ngọt sẻ bùi. Ấy là đạo lý, tình người, thậm chí theo tôi, nó còn là trách nhiệm.

Thời hiện đại, câu chuyện người anh quê Thái Bình, nhường cơ hội chữa bệnh cho em trai, đồng nghĩa, nhận về mình sự đớn đau, rủi ro khiến nhiều người xúc động. Bác sĩ Đào Xuân Thành, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, BV Bạch Mai chia sẻ, vài tháng trước, ông khám và chỉ định mổ cho Hoàng Đình Hanh, nhưng không thấy anh này đến bệnh viện.

Gần đây, ông lại khám cho bệnh nhân nữa là Hoàng Đình Hiện, 23 tuổi. Người này trong tình trạng gần như không đi lại được do hai khớp háng dính chặt vì di chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp. Bệnh viện chỉ định mổ cho Hiện, khi đã xếp lịch mổ thì Hanh gọi điện cho bác sĩ và nói mặc dù việc đi lại của Hanh cũng rất khó khăn, nhưng bệnh của Hiện nặng hơn nên Hanh nhường cơ hội chữa trị cho em. Gia đình Hanh - Hiện rất khó khăn, chỉ có khả năng chi trả phí thay 1 trong số 4 khớp háng cần thay cho cả hai anh em.

Trong khi đó, theo bác sĩ, tình trạng của Hanh còn nặng hơn nhiều, do tiến triển của bệnh Hanh đã bị dính toàn bộ cột sống từ cổ đến lưng, khớp háng cũng bị dính nên chỉ ngồi cũng đã rất khó khăn. Xúc động trước hành động cao cả của người anh trai, các bác sĩ đã quyết định cậy nhờ các nhà hảo tâm hỗ trợ. Nhờ sự tiếp sức của các nhà hảo tâm, mới đây, bác sĩ đã phẫu thuật thay hai khớp háng an toàn cho Hiện, còn Hoàng Đình Hanh, người anh nhường cơ hội cho em mình cũng được bệnh viện lên kế hoạch phẫu thuật.

Các nhà hảo tâm tặng quà cho Hiện, sau khi Hiện được phẫu thuật khớp háng thứ 2.

Xúc động, thêm niềm tin vào cuộc đời, tôi muốn quên đi những câu chuyện buồn xung quanh. Bao vụ cha mẹ, con cái, anh chị em tranh giành, mâu thuẫn, đối đầu nhau chỉ vì chút tài sản. Cũng vì tiền, vì đất, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra. Thậm chí có cả những vụ án mạng, bất nhân, bất hiếu vô cùng.

Cô bạn luật sư ở Bình Dương vốn xuất thân từ đứa trẻ mồ côi, cha mất lúc bạn còn bé tý, mẹ đi lấy chồng, anh chị em không có ai. Đã có thời gian bạn tôi sống trại trẻ mồ côi, trăm đường khổ. Tâm sự, nó bảo, khổ mấy cũng cam, đói, ốm, thậm chí chết cũng chẳng sợ, nhưng sợ nhất là sự cô đơn. Thấy người ta sum vầy, có cha mẹ, anh chị em, còn mình bơ vơ, buồn, vui không nói được với ai, tuổi thơ khóc đến cạn cả nước mắt.

Giờ đây, chứng kiến thân chủ kiện nhau ra tòa, phía bên kia là cha, mẹ chị em ruột thịt, lúc đầu nó ngạc nhiên, rồi buồn trước những tréo ngoe, kinh khủng. Người ta mang nhau ra mổ xẻ, phơi cái tình giữa bàn dân thiên hạ, chà đạp, hạ nhục, bới móc, sẵn sàng "thượng cẳng chân..." với ruột thịt của mình. Từ không tin nổi đến bức xúc, bạn tôi thất vọng và ước ao. Giá như cuộc đời cho nó những cái mà đám người kia đang quyết hơn thua, ném đi một cách không thương tiếc. Đó là có cha mẹ ở bên để chăm sóc, có anh chị em ruột thịt để yêu thương, chia sẻ.

Anh em “cây khế”, chị em Tấm Cám cũng vì lòng tham, ích kỷ mà gặp bi kịch, chết chẳng toàn thây, xã hội phê phán. Vậy nên, hãy dừng lại trước khi định “nồi da nấu thịt”. Không nên dựng chiến tuyến với “người một nhà”, bởi cuộc chiến ấy trái đạo lý, dù thắng, thua cũng nghiệt ngã vô cùng.                         

Minh Ngọc