Tiêu dùng & Dư luận

Du lịch Việt Nam như "người thèm sô cô la suốt một năm không được ăn"

Ngành du lịch Việt Nam sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ do nhu cầu đi du lịch bị dồn nén sau một năm trải qua nhiều hình thức dãn cách.

Các khách sạn cao cấp đã phải thích nghi với tình hình dịch bệnh bằng những cách thức khác nhau.

Sáng tạo để thay đổi

Ngành du lịch Việt Nam, cũng như phần còn lại của thế giới, đã phải hứng chịu một cơn địa chấn vào năm 2020 do đại dịch Covid-19. Thách thức này đã buộc nhiều doanh nghiệp trong ngành phải xem xét lại cách tiếp cận trong phục vụ khách hàng và đổi mới dịch vụ, theo Forbes.

Sự đổi mới như vậy đã được thực hiện tại một khu resort cao cấp trên bờ Vịnh Cam Ranh, bao gồm xây dựng ứng dụng của riêng mình để cung cấp thông tin quan trọng cho du khách một cách an toàn, không tiếp xúc.

Được phát triển bởi nhóm công nghệ thông tin của khu nghỉ và có thể tải xuống trên các thiết bị Android, Apple, Windows và Amazon, ứng dụng cung cấp các mẹo về sức khỏe và an toàn trong dịch Covid-19; thực đơn các nhà hàng của khách sạn, lịch trình hoạt động và khuyến mãi, cũng như phát trực tiếp chương trình và thông tin về các sự kiện.

Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng tại đây tin rằng các khu nghỉ dưỡng 5 sao trên khắp Việt Nam cũng sẽ sớm cung cấp công nghệ tương tự.

"Không có khía cạnh nào trong cuộc sống còn nguyên vẹn vì đại dịch và trong điều kiện bình thường mới, ứng dụng này là một cách hiệu quả để không cần tiếp xúc nhưng vẫn kết nối với khách và nhân viên", ông nói.

Ý tưởng cho ứng dụng đã được đưa ra trong một cuộc họp giữa các trưởng bộ phận và quản lý điều hành của khu nghỉ dưỡng. Vị tổng giám đốc này đã chỉ đạo nhóm của mình tìm kiếm một ứng dụng liên quan đến khách sạn hiện có để có thể điều chỉnh theo nhu cầu của họ, nhưng do không tìm thấy ứng dụng nào phù hợp, khách sạn đã tự tạo ra ứng dụng của riêng mình chỉ sau hai tháng.

Ông nói rằng quyết định triển khai công nghệ nhanh chóng như vậy là do tính cần thiết trong việc giúp khách sạn và du khách cảm thấy an tâm hơn trong thời kỳ đại dịch.

Cơn khát du lịch

Du lịch Việt Nam đang mong chờ sự bùng nổ trở lại.

Việt Nam đã chạm mốc lượng khách quốc tế đến thăm cao nhất từ trước đến nay vào năm 2019, với 18 triệu lượt khách, tạo ra doanh thu khoảng 40 tỷ USD. Ngành du lịch tràn đầy tiềm năng sẽ đạt được mục tiêu của Việt Nam trong việc trở thành một đầu tàu quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, làn sóng phát triển cuồn cuộn đã vấp phải một vách đá vào cuối tháng 1/2020, khi các chuyến bay từ một số điểm nóng Covid bị đình chỉ và đến tháng 4 thì dừng hoàn toàn.

Từ tháng 1 đến tháng 11 năm đó, Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế, giảm khoảng 77%. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa tiếp nhận bất kỳ lượt khách du lịch quốc tế nào.

Nhờ những biện pháp này, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và mở ra cơ hội cho các hoạt động du lịch cao cấp vốn ít được chú ý đến trước đây, khi tầng lớp trung lưu Việt Nam đang gia tăng.

Du lịch trong nước và sức mua ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam được coi là cứu cánh cho ngành du lịch đang gặp khó khăn trong tuyệt vọng, với điều kiện ngành này có thể thay đổi chiến lược trong một số lĩnh vực chính.

Ví dụ như thay đổi trong các món ăn và đồ uống. Tại khu nghỉ dưỡng nói trên, một nhà hàng cao cấp đã được chuyển đổi từ các món Âu sang thực đơn hải sản nướng, trong khi hai cửa hàng burger và kem trong khu ẩm thực của khách sạn biến đổi diện mạo thành một quầy phở Việt Nam.

“Theo một cách nào đó, chúng tôi đã may mắn khi có thể sử dụng khoảng thời gian giãn cách vào tháng 4 để tái thiết kế mọi thứ”, tổng giám đốc resort nói. Ông cũng ghi nhận mô hình chia sẻ thời gian của khu nghỉ dưỡng và tập trung vào các dạng phòng có thể chứa các đại gia đình (du khách Việt Nam thường đi nghỉ theo nhóm ba hoặc thậm chí bốn thế hệ) đã giúp vượt qua cơn bão Covid.

Nhìn về phía trước, ông chủ khách sạn kỳ cựu này dự đoán ngành du lịch Việt Nam sẽ có một sự phục hồi mạnh mẽ do nhu cầu đi du lịch bị dồn nén sau một năm trải qua nhiều hình thức dãn cách phòng dịch bệnh.

“Giống như bạn không được ăn sô cô la trong suốt một năm và giờ đây bạn muốn ăn nhiều sô cô la nhất có thể”, ông so sánh, đồng thời lưu ý rằng, “các khách sạn cần bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ để đón đầu nhu cầu đó”.