Kinh tế vĩ mô

Dư địa của Việt Nam tại EU sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA

Hiện Việt Nam vẫn đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống - tức khu vực Đông Á, trong khi thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả thì chưa tập trung.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Sau 2 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả… đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm vừa qua, tính từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.

Trong 2 năm vừa qua, đa số các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%.

Còn với các nhóm hàng truyền thống, Việt Nam đã xuất khẩu mạnh từ trước khi có hiệp định như dệt may, gia dày, đồ gỗ, cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%. Duy nhất có một nhóm hàng do tác động của dịch Covid-19 có bị giảm sút đó là điện thoại và linh kiện.

Sau 2 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15% (Ảnh: Phạm Tùng).

Doanh nghiệp biết tận dụng đa dạng từ EVFTA

Tại toạ đàm “Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng” được tổ chức sáng 8/8, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - nói rằng, từ góc độ tổng thể sẽ có 3 điểm chính khi đánh giá về việc tận dụng cơ hội từ EVFTA trong 2 năm vừa qua của doanh nghiệp Việt.

Điểm thứ nhất ông chỉ ra là doanh nghiệp Việt Nam đã biết cách tận dụng đa dạng từ EVFTA, những mặt hàng có thuế cao, được cắt giảm mạnh như rau quả, thuỷ sản đều tăng trưởng tốt. “Điều này, cho thấy, doanh nghiệp đã tận dụng đa dạng EVFTA, tập trung vào các mặt hàng chúng ta có thể mang lại lợi thế tốt”, ông Khanh nói.

Yếu tố thứ hai là tất cả các thành viên EU đều nhập khẩu từ Việt Nam, qua đó cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đa dạng thị trường.

Cuối cùng là dù báo chí thời gian qua nhắc đến nhiều vấn đề khó khăn vì EU là thị trường khó tính với các hàng rào kỹ thuật, nhưng các doanh nghiệp vẫn sẵn sàng thử thách đó, đáp ứng yêu chuẩn cao để vào thị trường. Đó là điểm lớn, trong đó cho thấy tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu của EU và đưa hàng vào một cách bài bản.

Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng “Việt Nam chưa thực sự tận dụng tốt và hiệu quả EVFTA như kỳ vọng trong 2 năm vừa qua”.

Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ tại toạ đàm (Ảnh: BCT).

Ông đánh giá, với những thành tích xuất khẩu vừa qua thì việc tận dụng tương đối tốt, doanh nghiệp cũng biết thay đổi tư duy, định hướng thị trường, định hướng mặt hàng. Thế nhưng nhìn vào thị phần thì dư địa của Việt Nam tại thị trường EU thì “chưa đến đâu” khi nhìn vào thị phần rau quả chưa đến 4%, thủy sản đến 8%. Còn riêng xuất khẩu gạo vào EU rất thấp.

Chưa kể, tỉ trọng của thị trường EU trong xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các tỉnh thành nói riêng thì cũng chưa đáng kể,

“Nếu bây giờ lấy một số tỉnh xuất khẩu lớn nhất thì tỉ trọng của thị trường EU trong xuất khẩu các tỉnh đó không đến 15-20%. Bởi Việt Nam vẫn đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả thì chưa tập trung. Như vậy dư địa tăng trưởng còn rất lớn, đó là 2 điểm lớn mà chúng ta có thể làm tốt hơn nữa”, ông nói.

Tránh chuyện gian lận xuất xứ từ các nước cạnh tranh

Trên thực tế, EVFTA là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, EU có những tiêu chuẩn rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, vì vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm rõ hiệp định và các quy tắc để xuất khẩu hàng hóa.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường EU cũng như các thị trường khác thì cũng có nhiều các quy định liên quan, trong đó có quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ.

"Đây vừa là hàng rào nhưng cũng là công cụ để giúp cho chỉ các doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định này, tránh chuyện gian lận xuất xứ từ các nước cạnh tranh khác", ông Hải nói.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương (Ảnh: BCT).

Trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp đã có sự làm quen và bắt nhịp được khá tốt, thể hiện qua hai quý đầu năm 2022, lượng hàng hóa xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa EUR.1 khoảng 5,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này.

Với thị trường EU, bên cạnh Hiệp định, hiện nay Việt Nam có duy trì chương trình ưu đãi đơn phương GSP, thì những doanh nghiệp theo chương trình ưu đãi đó có thể không cần xin giấy chứng nhận xuất xứ này.

Tuy nhiên trong bối cảnh như vậy, tỉ lệ xin giấy chứng nhận xuất xứ vẫn đang 25%, tương đương với mức nhiều hiệp định khác sau 1 vài năm mới đạt được. “Điều này để thấy rằng, doanh nghiệp của chúng ta đã nắm rõ và hiểu được giá trị của Hiệp định cũng như vai trò của chứng nhận xuất xứ”, ông nói.

Vị Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng nhìn nhận, trong lĩnh vực về nông nghiệp, những ngành hàng như thủy sản, rau quả và gạo là những ngành có tăng trưởng xuất khẩu lớn vào thị trường EU thời gian qua. Đồng thời cũng là những ngành có tỉ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ về chứng nhận xuất xứ EUR.1 rất cao, đặc biệt với mặt hàng gạo tỉ lệ này là 100%.