Tài chính - Ngân hàng

"Dư địa cho mobile money vẫn còn, nhưng chỉ là mảnh đất cằn cỗi"

Theo MobiFone, Việt Nam triển khai Mobile Money chậm hơn thế giới khoảng 20 năm, thời điểm vàng triển khai đã qua. Nên ta cần nhìn sang những lợi thế khác.

"Cạnh tranh" với ngân hàng số

Phát biểu tại Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” diễn ra vào sáng 11/5, bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone - một trong những doanh nghiệp được cấp phép triển khai dịch vụ này bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, khi công nghệ và công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, phát triển mobile money sẽ đem lại cả nguồn lợi cho cả những công ty mạng điện thoại và cả các ngân hàng.  

Trên thực tế, các ngân hàng đang dốc toàn lực đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng số, các công ty fintech cũng đang cho thấy sức mạnh của mình, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, thì mobile money từ các nhà mạng di động liệu còn cơ hội để phát triển hay không?

Câu trả lời bà Tú đưa ra là: “Có. Đừng chỉ nghĩ đến những bài toán cạnh tranh, mà hãy nghĩ tới xu hướng cộng tác cùng phát triển".

Bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone

Đứng ở góc độ những nhà mạng di động, mobile money như một sản phẩm GTGT, có thể thay thế cho những sản phẩm viễn thông truyền thống. Bên cạnh đó, khi đứng ở phía ngân hàng, cũng sẽ thu lại được những mặt tích cực khác khi cả hai cùng phối hợp triển khai, từ đó hướng tới mục tiêu đa dạng hoá các dịch vụ trải nghiệm thanh toán tài chính cho khách hàng trên nền tảng số.

Trước tiên, ở lĩnh vực ngân hàng, theo Báo cáo Phát triển về Fintech và Ngân hàng số ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) tới năm 2025 cho thấy, khách hàng của ngân hàng số có cơ hội tăng gấp 300 lần so với ngân hàng truyền thống. Bởi vậy, các ngân hàng đang trong cuộc đua khốc liệt, yêu cầu sự đổi mới liên tục. 

Cụ thể, 44% các ngân hàng top đầu tại CA-TBD đang tập trung phát triển hệ sinh thái tài chính trên các nền tảng số. 60% ngân hàng đàng đầu tư vào các giải pháp công nghệ cao như AI để ứng dụng cho các bài toán sản xuất, kinh doanh của mình.

Ở Việt Nam, các ngân hàng trong năm qua cũng đã phát triển rất mạnh bằng cách nỗ lực số hoá dịch phụ, đáp ứng nhu cầu thị trường và đã thu được những thành quả nhất định.

Bên cạnh đó, vềới mobile money, sau hơn 20 năm phát triển trên thế giới, đã có khoảng 1.3 tỷ tài khoản mobile money với tổng trị giá giao dịch lên tới 10 nghìn tỷ USD, tốc độ tăng trưởng cũng rất ấn tượng với trung bình 31% mỗi năm.

Từ đó, chứng minh rằng việc phát triển mobile money vẫn còn nhiều hứa hẹn theo xu hướng thế giới. Trong những năm tới, mức tăng trưởng kép có thể lên tới 28.8%. Về thị phần, các mảng dịch vụ chuyển tiền trên mobile money cũng sẽ phát triển nhanh nhất trong thời gian tiếp theo.

Mobile Money có mặt tại 95 quốc gia (bản đồ màu xanh nhạt) trên toàn cầu. (Ảnh: GSMA)

Mobile money đa phần tập trung ở các nước có nền tài chính chưa thực sự phát triển như CA-TBD, Nam Á, Châu Phi, Nam Mỹ. Và trong những năm tới, khu vực CA-TBD vẫn sẽ tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực này, song song với sự phát triển của thương mại điện tử, tăng trưởng dân số ấn tượng. 

Hạn mức 10 triệu đồng/ tháng là không đủ

Thời gian thực hiện không dài, song cũng đủ để các doanh nghiệp triển khai dịch vụ này nhìn nhận ra vấn đề: “Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, ở Việt Nam triển khai Mobile Money chậm hơn thế giới khoảng 20 năm, thời điểm vàng triển khai Mobile Money đã qua. Cách đây 20 năm, số lượng người sử dụng ngân hàng rất là ít và đó là lợi thế của di động. Nên ta cần nhìn sang những lợi thế khác của các nhà mạng”, đại diện MobiFone bày tỏ.

Với Mobile Money, không phụ thuộc vào kết nối internet hay tài khoản ngân hàng, chỉ với 1 số điện thoại, người dân trên cả nước có thể thực hiện các giao dịch mua bán, chi tiêu không tiền mặt vô cùng dễ dàng thông qua tài khoản tiền di động.

Đặc biệt trong giai đoạn bình thường mới, tiền di động đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng cơ hội giao thương cho tất cả mọi người, xóa nhòa khoảng cách về địa lý lẫn công nghệ. Để người dân từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng tới miền núi, hải đảo xa xôi đều có thể dễ dàng kết nối, thực hiện trao đổi, mua bán hàng hóa chỉ với chiếc điện thoại.

Tuy nhiên, bà Tú cũng đưa ra nhận định, dư địa của mobile money không phải không còn, nhưng đây là những mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá. Trong khi mảnh đất màu mỡ ngân hàng đã cày xới hết trước đó.

Điều này được thể hiện trong quy định về hạn mức sử dụng của mobile money. Cụ thể, hạn mức của mobile money chỉ dưới 10 triệu đồng, thấp hơn ví điện tử rất nhiều, so với ngân hàng thì hầu như còn không có hạn mức.

“Đây là một hạn chế. Khi mà chúng ta cung cấp một dịch vụ mới nhưng vấp phải quá nhiều hạn chế, khó phát triển”, bà Tú nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone, ông Nguyễn Văn Tấn chia sẻ,  trong giai đoạn thử nghiệm, VNPT hoàn toàn đồng ý với hạn mức 10 triệu đồng liên quan đến các hoạt động về rút và chuyển tiền.

Tuy nhiên, khi đã hết giai đoạn thử nghiệm 2 năm, doanh nghiệp này đề xuất mở rộng giới hạn trên.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone, ông Nguyễn Văn Tấn

Ông cho biết: “Gọi là micro payment (chi tiêu nhỏ lẻ) nhưng trong trường hợp mức độ giao dịch cao hơn thì có thể cho phép và xác thực ở mức độ nhất định”.

Bởi mỗi tháng, nếu người dân cần rút 10 triệu cho một hoạt động chi tiêu nào đó, thì đồng nghĩa với việc mọi hoạt động chi tiêu khác đều sẽ “đóng băng", không thể sử dụng mobile money.