Thế giới

Dự báo OPEC+ sẽ quyết định tăng sản lượng dầu trong cuộc họp sắp tới

OPEC+ có thể sẽ tiến hành một đợt tăng sản lượng hàng tháng lên 400.000 thùng/ngày, trong một nỗ lực nhằm khôi phục sản lượng bị cắt giảm trong thời kỳ đại dịch.

Theo khảo sát của Bloomberg, OPEC+, liên minh 23 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ do Ả Rập Xê-út và Nga dẫn đầu, có thể sẽ tiến hành một đợt tăng sản lượng hàng tháng lên 400.000 thùng/ngày, trong một nỗ lực nhằm khôi phục sản lượng bị cắt giảm trong thời kỳ đại dịch.

15 trong số 16 nhà phân tích và thương nhân được hãng tin Bloomberg khảo sát đã dự đoán mức tăng sản lượng sẽ được thông qua khi OPEC+ họp vào 4/1 sắp tới.

Theo Bloomberg, OPEC+ nhận thấy nhu cầu toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi vào năm nay trong khi chịu tác động không quá lớn từ biến thể Covid-19 Omicron. Niềm tin của họ được càng củng cố khi giao thông qua các quốc gia tiêu thụ dầu lớn ở châu Á tấp nập trở lại trong khi lượng dầu thô tồn kho ở Mỹ giảm dần khiến giá dầu quốc tế ở mức gần 80 USD/thùng.

Ông Robert McNally, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group và là một cựu quan chức Nhà Trắng, nhận định: “Thị trường có thể sẽ tăng tiêu thụ dầu, trong trường hợp những tác động từ biến thể Omicron hoặc suy thoái kinh tế vĩ mô không gây sức ép đến nhu cầu một lần nữa”.

Ả Rập Xê-út, quốc gia sở hữu tổng trữ lượng dầu hàng đầu thế giới và là thành viên chủ chốt trong khối OPEC, sẽ quan tâm đến rủi ro lạm phát ảnh hưởng từ các quốc gia nhập khẩu dầu lớn của họ khi quyết định bổ sung nguồn cung.

Vào tháng trước, nước này đã bày tỏ chấp thuận lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tăng cường sản xuất để hạ nhiệt giá xăng dầu. Trong khi động thái bất ngờ đó được các nhà giao dịch đánh giá là sẽ gây giảm giá, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, kiêm Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, đã xoa dịu tâm lý thị trường bằng cách cho biết quyết định của OPEC về mặt kỹ thuật là giữ nguyên cuộc họp “trong phiên” (để ngỏ khả năng đảo ngược mức tăng nguồn cung trong thời gian ngắn nếu cần).

Logo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại trụ sở chính, thủ đô Viên, nước Áo. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, việc tiếp tục tăng sản lượng hàng tháng không phải là không có rủi ro. Theo dữ liệu mô tả tắc nghẽn đường bộ từ nhà cung cấp Baidu Inc, Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu nhu cầu về nhiên liệu suy giảm trong bối cảnh duy trì cách tiếp cận Zero Covid và những chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tại Mỹ hiện đang ghi nhận gia tăng số lượng hủy và cắt giảm các chuyến bay, nguyên nhân liên quan tới sự lây nhiễm của biến thể Omicron ảnh hưởng tới vấn đề nhân sự.

Theo ước tính của OPEC, thị trường dầu mỏ thế giới đang quay trở lại mức thặng dư trong những tháng tới khi nguồn cung tăng vọt từ các đối thủ - bao gồm việc Mỹ triển khai mở các kho dự trữ dầu chiến lược. Với mức thăng dư dự kiến ​​đạt 2,6 triệu thùng/ngày vào tháng 3/2022, OPEC có thể cần phải xem xét lại quyết định tăng sản lượng của mình.

Ông Robert McNally, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group, cho biết mức tăng thực tế trong tháng 2 có thể sẽ không đạt 400.000 thùng/ngày. Bởi sự gia tăng sản lượng của OPEC+ hiện đối mặt với trở ngại do các mỏ dầu ở Angola, Nigeria thiếu đầu tư và hoạt động gián đoạn.

Các bộ trưởng OPEC cũng chuẩn bị thảo luận xem ai sẽ trở thành tổng thư ký mới của nhóm để thay thế Mohammad Barkindo, người dự kiến ​​sẽ rời đi vào cuối tháng 7. Các nguồn tin cho biết ứng cử viên Kuwait cho công việc này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi.

Các thành viên OPEC có kế hoạch họp riêng vào thứ Hai (3/1/2022) để trở thành tổng thư ký mới của nhóm. Theo hãng tin Bloomberg, ứng cử viên Haitham al-Ghais (đại biểu đến từ nước Kuwait) hiện đang nhận được sự ủng hộ lớn cho việc tiếp quản vị trí này. Nếu được chấp thuận, ông al-Ghais sẽ kế nhiệm Tổng thư ký hiện tại là ông Mohammad Barkindo (Nigeria), người sẽ kết thúc 6 năm tại nhiệm vào tháng 7/2022.

Hà Thanh (theo BNN Bloomberg, Reuters)