Hãy trân trọng sự bình an

Các chuyên gia khí tượng cho biết: Không phải Việt Nam dự báo sai mà cả Mỹ, Nhật Bản và nhiều trung tâm dự báo lớn trên thế giới cũng đã dự báo không chính xác về cơn bão số 16 (Tembin).

Sửng sốt, bồn chồn, thở phào nhẹ nhõm là chuỗi cảm xúc chung của những ai dõi theo đường đi và cường độ của bão số 16 (Tembin).

Người dân thu dọn hành lý, di chuyển đến nơi tránh bão số 16 (Tembin). Ảnh: Việt Tâm.

 Các phương án ứng phó với siêu bão được triển khai trong không khí khẩn trương; cuộc di dân lịch sử đã được thực hiện, với khoảng 1 triệu người đã được sơ tán đến nơi an toàn; người dân các địa phương được dự đoán nằm trong vùng chịu ảnh hưởng đổ xô đi chợ mua thức ăn dự trữ; mỳ tôm, đồ khô rơi vào cảnh “cháy hàng” tại một số tiệm tạp hóa ở Sài Gòn. 

Sau đó, khác với dự báo ban đầu, bão Tembin đã đổi hướng và giảm cấp độ, vùng tâm bão không đi vào đất liền Việt Nam.

Đường đi của bão Tembin.

May mắn đã mỉm cười, nhưng một số người lại tỏ ra bàng quan với những diễn biến cuối cùng của cơn bão từng được đánh giá là muộn và mạnh nhất trong lịch sử. Tôi thấy đâu đó tiếng cười ruồi, kiểu: “Tưởng gì!” hay lời than phiền về chuyện phải ở nhà trông con khi ngành chức năng chỉ đạo cho học sinh nghỉ học tránh bão.

Có lẽ ngoài việc thiếu kinh nghiệm ứng phó với bão mạnh như nhận định của một chuyên gia, một số người dân còn quá chủ quan, lơ là trước thiên tai. Còn nhớ, trước khi bão tiến gần vào đất liền, đông đảo cộng đồng mạng đã cùng gửi lời cầu nguyện an lành cho mọi người mọi nhà, mong bão suy yếu, đổi hướng.

Thông điệp vô cùng nhân văn đó, cùng lời nhắc nhở cẩn tắc vô ưu trong việc phòng chống bão cần được lan truyền rộng khắp, xóa tan những câu cảm thán đầy ích kỷ.

Phải chăng vì đi qua những ngày mưa ta mới yêu thêm những ngày nắng; phải chăng từng khóc đỏ mắt vì bão giông rồi mới biết quý trọng tháng ngày bình an vô sự?

Ngân Hà

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả