Chính sách

4,8 tỷ USD xây sân bay Long Thành: “Có thể huy động vốn nhàn rỗi từ người dân trong nước và hải ngoại”

Góp ý về dự án sân bay Long Thành tại Quốc hội, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nếu như tạo được niềm tin thì hoàn toàn có thể huy động vốn nhàn rỗi từ người dân trong nước và hải ngoại để xây dựng dự án.

Sáng 12/11, Quốc hội sẽ thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Chính phủ trình.

Phiên làm việc của Quốc hội sáng 12/11. Ảnh Ngọc Thắng

Vận hành là có lãi?

Trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư của dự án là 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD, thấp hơn thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94 là 4,782 tỷ USD (không bao gồm chi phí GPMB).

Trong số gần 4,8 tỷ USD này, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cần huy động hơn 98.000 tỷ đồng, tương đương gần 4,2 tỷ USD. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cần huy động hơn 3.200 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của ACV, đến ngày 31/12/2018, ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt là 24.268 tỷ đồng; trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, ACV đã bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, tương đương hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.

Số vốn ACV phải đi vay khoảng hơn 2,6 tỷ USD.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang. Ảnh Ngọc Thắng

Phát biểu tại Nghị trường Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Đoàn Thanh Hoá) đề nghị Chính phủ cho biết, để có con số 12.339 tỷ cho giai đoạn xây dựng cho giai đoạn xây dựng 2019 – 2025 là từ nguồn nào?

Vấn đề thứ 2, Đại biểu Nguyễn Hữu Quang băn khoăn là năng lực tài chính sau khi xây dựng và đi vào vận hành: “Một dự án có 2 giai đoạn quan trọng, một là xây dựng, hai là vận hành. Vốn thì chủ yếu tập trung vào giai đoạn xây dựng, nhưng giai đoạn vận hành cũng yêu cầu chủ đầu tư có năng lực tài chính nhất định”.

Ông Quang cũng bày tỏ ý kiến về về dự báo lãi ngay khi vận hành sân bay: “Trong báo cáo, dự án có lợi nhuận ngay từ năm đầu tiên vào vận hành, tôi rất băn khoăn. Đây là dự án lớn thường phải có lỗ kế hoạch, nếu sau khi Chính phủ rà soát lại nếu có lỗ kễ hoạch thì phải có phương án để xử lý. Bởi vì nhiều doanh nghiệp không phải phá sản trong giai đoạn xây dựng, mà là phá sản trong giai đoạn vận hành, vì không đủ nguồn tài chính để làm nghĩa vụ với đơn vị cho vay”.

Vấn đề nữa Đại biểu Nguyễn Hữu Quang băn khoăn là tính đầy đủ và chính xác của báo cáo khả thi, báo cáo này không đưa chi tiết đền bù giải phóng mặt bằng (22.400 tỷ) và 4.800 tỷ của 2 dự án đường kết nối vào trong tính toán.

“Đây là chưa đúng, theo nguyên tắc báo cáo khả thi bao gồm tất cả cái này”, ông khẳng định.
Đại biểu của đoàn Thanh Hoá cho rằng, việc không đưa các chi phí mà Nhà nước bỏ ra vào báo cáo khả thi sẽ làm cho Nhà nước bị thiệt hại, do không được tính nguồn vốn Nhà nước tham gia vào dự án, đặc biệt là khi tiến hành cổ phần hóa.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị Chính phủ phải xem xét lại việc dự án chia thành 4 hạng mục, mỗi hạng mục là một pháp nhân.

“Chính phủ nên cân nhắc theo hướng toàn bộ dự án chỉ là một pháp nhân. Bởi lẽ, chia làm nhiều pháp nhân, nhiều gói thầu, gặp khó khăn trong việc phối hợp xây dựng.

Các sân bay quốc tế dù lớn hay nhỏ thì đều có các chức năng, công năng quản lý Nhà nước và an ninh quốc phòng như nhau. Không có cơ sở để nói rằng quy mô lớn như sân bay Long Thành thì phải chia thành nhiều pháp nhân. Từ đó, tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc, chỉ thành lập 1 pháp nhân duy nhất”, ông Quang kiến nghị.

Góp ý cho dự án, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lo ngại, theo báo cáo giải trình thì ACV chỉ đáp ứng được 1/3 vốn cho dự án, còn hơn 2,6 tỉ USD phải đi huy động. “ACV là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 95% vốn, nếu có rủi ro gì thì nhà nước vẫn phải gánh chứ không thế nói không bảo lãnh thì không có trách nhiệm gì”, đại biểu Cường lo ngại.

Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng chỉ ACV có kinh nghiệm, năng lực nên "chỉ định thầu" cho doanh nghiệp này nhưng cũng không ai khẳng định được khối tư nhân không có năng lực, không thể làm được. Đại biểu Cường cho rằng, trên thực tế, khi đầu tư các dự án lại khá chất lượng, hiệu quả, hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Từ đó, ông kiến nghị Chính phủ cũng cần phải cân nhắc thêm.

Làm không tốt sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), cho rằng, nhân dân đều đồng tình chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, cái quan trọng là thực hiện chủ trương này như thế nào.

Đại biểu cho rằng: "Dự án này phải tạo động lực cho Việt Nam cất cánh vươn cao thoát bẫy thu nhập trung bình, nhưng nếu làm không tốt sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án trùm mền đắp chiếu hiện tại.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Ngọc Thắng

Từ đó, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, dự án này phải đảm bảo gia tăng 4 tiêu chí: “Thứ nhất, tăng hiệu quả kinh tế; Thứ hai tăng ổn định xã hội; Thứ ba là tăng hạ tầng kỹ thuật; Thứ tư là tăng trình độ khoa học công nghệ”.

“Dự án này phải là phần thưởng quý báu, không phải là di sản bỏ thì thương, vương thì tội trên vai các thế hệ mai sau”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

“Tôi tán thành ý kiến giao cho chủ đầu tư trong nước nhưng về vốn chắc chắn cần vốn đầu tư tư nhân và đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách, vốn tự có và vốn vay trong nước, nước ngoài. Cần có một chủ trương chính sách cụ thể, thông minh, chặt chẽ để quản lý vốn dự án này”.

Một điểm quan trọng nữa Đại biểu Nghĩa băn khoăn là nhà nước nắm giữ bao nhiêu vốn, lời lỗ phân bổ ra sao vì có những hạng mục lỗ có hạng mục lời thì phải phân bổ cho khéo, không để Nhà nước chịu lỗ còn lời thì về tay tư nhân.

“Nếu như tạo được niềm tin thì hoàn toàn có thể huy động vốn nhàn rỗi từ người dân trong nước và hải ngoại. Khó khăn hơn nhưng mọi bài học lớn của nước ta trong mọi thời kỳ lịch sử, có một số nguyên tắc nhất quyết phải bảo đảm, đó là pháp luật nghiêm minh”, ông Nghĩa nêu một phương án huy động vốn cho dự án.

Ông cũng nhấn mạnh, dự án này phải tránh lãng phí, không bị lợi ích nhóm, lợi ích sân sau chi phối.

Công Luân - Hoa Liên