Sự kiện

Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng 3.700 tỷ bây giờ ra sao?

Mặc dù dự kiến đầu quý I/2020, giai đoạn 1 của Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng sẽ hoàn thành và cung cấp 300.000m3 nước/ngày đêm cho Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, Dự án có mức đầu tư gần 3.700 tỷ đồng này vẫn... xong phần san lấp mặt bằng.

Dù đã có đề án nghiên cứu từ đầu những năm 2000, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng tới nay nhà máy nước mặt sông Hồng (xã Liên Hồng, Đan Phượng, Hà Nội) đang ngổn ngang mặt bằng và chưa biết bao giờ hoàn thành.

Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng được Hà Nội chấp thuận đầu tư từ tháng 10/2015, nhà đầu tư là Cty CP Nước mặt sông Hồng (2 cổ đông chính là Cty CP nước sạch Thành Long góp 79% vốn, Cty TNHH MTV nước sạch Hà Nội góp 20% vốn).

Nhà máy được xây dựng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng có tổng mức đầu tư trên 3.692 tỷ đồng do doanh nghiệp tự huy động với diện tích 21,1 ha.

 Quy trình công nghệ xử lý nước được chọn là công nghệ truyền thống, ổn định, tin cậy và phù hợp để xử lý nước có dao động lớn về độ đục, đặc điểm chất lượng nước sông Hồng và diện tích xây dựng nhà máy: Sơ lắng cặn thô -> Keo tụ -> Trộn phản ứng -> Lắng ngang -> Lọc nhanh -> Lọc hữu cơ ->Khử trùng -> Bể chứa nước sạch.

Theo PV Người Đưa Tin ghi nhận tại công trường xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng, toàn bộ mặt bằng rộng hơn 20 ha đã giải phóng xong.

Một phần mặt bằng đã được san lấp, nhưng một phần vẫn là ao hồ.

Một nhóm xây dựng bờ kè, nhóm còn lại đang thi công tại khu vực nhà điều hành.

Ở giữa công trường có 3 máy cẩu lớn đang hoạt động.

Một loạt cống dẫn nước đã được tập hợp về công trường, được biết đây là tuyến ống truyền dẫn có chiều dài 28,1 km và sẽ sử dụng ống gang dẻo có độ bền cao giúp hạn chế sự cố rò rỉ, vỡ đường ống.

Bên cạnh đó, một số máy xúc, xe tải được tập kết nhưng đang dừng hoạt động.

Bảng thông tin dự án qua thời gian đã bong tróc, không còn rõ những thông tin gì được niêm yết.

Giai đoạn 1 của Dự án đặt mục tiêu hoàn thành và cấp nước từ năm 2018, với công suất 150.000 m3/ngày đêm; giai đoạn 2 đến năm 2020, nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm. Cấp nước cho khu vực huyện Đan Phượng, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm...

Song song với việc thi công ì ạch thì vấn đề an ninh nguồn nước tại đây cũng được các chuyên gia cảnh báo. Theo kết quả nghiên cứu về nước sạch khu vực Đồng bằng sông Hồng của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2012, ở nhiều nơi thuộc lưu vực sông Hồng, nguồn nước mặt bị ô nhiễm nhiều loại chất hữu cơ, vi khuẩn, vi sinh vật; tổng chất rắn lơ lửng có hàm lượng cao. Theo nghiên cứu này, gần một nửa lưu vực sông Hồng nằm ngoài Việt Nam nên nhiều mối đe dọa đối với chất lượng nước và nguồn cung nước ở lưu vực sẽ mang tính xuyên biên giới, nằm ngoài khả năng kiểm soát trực tiếp của Việt Nam.