Đối thoại

Dự án không qua đấu thầu thì chênh lệch địa tô phải làm như thế nào?

Vấn đề chênh lệch địa tô khi thu hồi đất được quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được các đại biểu Quốc hội yêu cầu điều chỉnh phù hợp.

Sáng 30/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng có một số nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 18.

Đó là quan điểm Nhà nước có trách nhiệm điều tiết giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra để đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Đại biểu Lâm cho rằng, hiện các chính sách mới chỉ thể hiện được một phần, cần tiếp tục hoàn thiện chênh lệch về địa tô đối với dự án không phải qua đấu giá, đấu thầu, hay người sử dụng đất được hưởng lợi từ chính sách quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn chưa có quy định về điều tiết như thế nào.

“Những dự án không qua đấu giá, đấu thầu thì chênh lệch địa tô làm như thế nào? Cần có cơ chế rõ ràng để hoàn thiện vấn đề này”, ông Lâm nói.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang).

Theo đại biểu Lâm, người sử dụng đất được hưởng lợi từ chính sách quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, thay đổi hạng đất, giá trị đất. Một con đường sau khi mở rộng, một bộ phận người dân di dời được bồi thường, nhưng người ở lại được hưởng lợi khi vị trí đất và giá trị thay đổi. Dù vậy, dự thảo chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hóa trường hợp này.

Từ phân tích trên, đại biểu đoàn Bắc Giang đề xuất nếu quy hoạch làm thay đổi giá trị đất, cần ghi vào giấy tờ sử dụng đất. Nếu người đó tiếp tục sử dụng đất thì chưa thu chênh lệch địa tô, nhưng nếu họ mang đi giao dịch, chuyển nhượng thì địa tô chênh lệch ấy được thể hiện ra giá trị bằng tiền, phải điều tiết bằng ngân sách.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, vấn đề này cần nghiên cứu, tiếp tục điều chỉnh sao cho chính sách thật công bằng, minh bạch.

Góp ý vào Điều 127 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nêu rõ, dự thảo luật có phương án quy định đối với dự án nhà ở thương mại thì được thỏa thuận quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác, mục đích là cho phép doanh nghiệp thỏa thuận và xây dựng vì mục đích thương mại trên đất không phải là đất ở…

Đại biểu Long cho rằng, vấn đề này liên quan chặt chẽ đến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đây không phải vấn đề mới và được tranh luận rất quyết liệt tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai).

Theo ông Long, Nghị quyết 18 nêu "tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp trong dự án đô thị, nhà ở thương mại".

Tuy nhiên, nếu vận dụng nội dung này theo hướng cho doanh nghiệp thỏa thuận quyền sử dụng đất để kinh doanh dự án nhà ở thương mại là không phù hợp.

"Quy định thế này thì doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản có quyền mua hết đất nông nghiệp, đất rừng chuyển sang mục đích xây dự án nhà ở thương mại, khi đó việc thu hồi chênh lệch địa tô càng khó khăn hơn", ông Long nói.

Giải pháp mà ông đưa ra là quy định doanh nghiệp chỉ được thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại theo đúng mục đích và quy hoạch.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân được Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Tuy nhiên dự thảo luật chưa có quy định về trách nhiệm cũng như mối quan hệ giữa Nhà nước với tư cách là người đại diện và toàn dân với tư cách là người sở hữu đất đai, trường hợp nào Nhà nước phải lấy ý kiến toàn dân, trường hợp nào toàn dân quyết định. Đại biểu đề nghị nội dung này cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo luật.