Hồ sơ điều tra

Dự án Ethanol Phú Thọ: VKS khẳng định thiệt hại do nhà thầu không đủ năng lực

Đối đáp lại quan điểm của Đinh La Thăng và đồng phạm, VKS khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là có cơ sở và thiệt hại là do lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực.

Video: Ông Đinh La Thăng đối đáp quan điểm luận tội của VKS.


Ngày 12/3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 5, xét xử vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học (PVB), công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

VKS đối đáp với quan điểm của luật sư và các bị cáo.

Sau khi lắng nghe quan điểm bào chữa của các bị cáo và luật sư, lần lượt các kiểm sát viên đại diện VKSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đưa ra quan điểm đối đáp như sau:

Vị đại diện VKS một lần nữa khẳng định hành vi phạm tội của ông Thăng là hoàn toàn có cơ sở, đúng như cáo trạng quy kết. Các quan điểm bào chữa của luật sư và ông Thăng đưa ra là không có căn cứ nên không có cơ sở chấp nhận.

VKS cho rằng, với vai trò là chủ tịch HĐQT PVN, Trưởng ban chỉ đạo dự án Ethanol Phú Thọ, ông Thăng phải có trách nhiệm chỉ đạo thuộc cấp thực hiện đúng.

Ông Đinh La Thăng đối đáp lại quan điểm luận tội của VKS.

Tuy nhiên, trong phần tự bào chữa, ông Đinh La Thăng và luật sư có quan điểm cho rằng PVB có quyền quyết định, bị cáo Thăng chỉ có trách nhiệm đôn đốc và không có trách nhiệm phải biết PVC có năng lực hay không và hoàn toàn không có nhóm lợi ích… Như vậy “là vô trách nhiệm, đi ngược lại với chỉ đạo của Chính phủ”, VKS nhận định.

Liên quan đến câu hỏi “lợi ích nhóm” của ông Đinh La Thăng trong phần tự bào chữa, theo VKS, vụ án này thể hiện giữa các bị cáo có sự thống nhất, câu kết với nhau thực hiện hành vi tội phạm. Đây là vấn đề lợi ích nhóm tiêu cực, câu kết với nhau, thực hiện việc làm trái pháp luật.

Tiếp tục đối đáp các vấn đề về tội danh, hành vi của các bị cáo mà luật sư trình bày, VKS có quan điểm: Đồng phạm là từ 2 người trở lên cùng thực hiện tội phạm. Trong vụ án, các bị cáo thuộc PVC là đồng phạm với các bị cáo của PVN. Thể hiện, PVC là công ty con của PVN, phải chấp hành chỉ đạo của PVN.

Đối với Trịnh Xuân Thanh, với vai trò Chủ tịch HĐQT, quá trình triển khai dự án Ethanol, Thanh ký văn bản xin hạ các tiêu chí liên quan đến năng lực để được chỉ định thầu, nhưng không được PVB chấp nhận. Sau đó, lãnh đạo PVB có chủ trương chỉ đạo PVC thực hiện dự án này; do vậy, PVC tiếp tục có văn bản xin chỉ định thầu.

Đối chiếu quy định pháp luật, Thanh biết liên danh nhà thầu không đáp ứng được và nếu không có chỉ đạo của PVN thì PVC không được thực hiện dự án này, do vậy, khẳng định bị cáo Thanh thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn.

Nhóm bị cáo ở PVC cũng nhận thức được PVC không có năng lực thực hiện dự án nhưng tiếp nhận chỉ đạo từ lãnh đạo PVN, hoàn thành thủ tục để PVC được chỉ định thầu trái pháp luật.

Trịnh Xuân Thanh ngoài sự tiếp nhận chỉ đạo của lãnh đạo PVN, bị cáo còn là người đứng đầu PVC, do sức ép, bị cáo vẫn đồng ý tiếp nhận thầu.

“Các bị cáo biết rõ việc chỉ định thầu trái luật nhưng vẫn tiếp nhận, hoàn thiện thủ tục để PVC được chỉ định thầu trái luật, do vậy VKS truy tố các bị cáo là đúng pháp luật. Nguyên nhân chính dừng thi công là từ phía PVC do không đủ năng lực thực hiện dự án”, VKS nhận định.