Xu hướng thị trường

Dự án chống ngập 10.000 tỷ bất động: Nhà đầu tư phải làm theo thiết kế đã được phê duyệt

Dự án chống ngập TP.HCM có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng bị ngưng trệ gần 5 tháng qua đang gây bức xúc dư luận.

Liên quan đến những nhận định trên, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM (HASCON), Viện trưởng viện Điện - Điện tử - Tin học (EEI).

"Tuýt còi" là đúng

PV: Thưa Tiến sĩ, ông đánh giá như thế nào về việc đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) “tuýt còi” nhà đầu tư dự án chống ngập có số vốn 10.000 tỷ đồng?

TS. Nguyễn Bách Phúc: Đơn vị TVGSHĐ làm như thế là hoàn toàn đúng. Bởi, theo luật Xây dựng và luật Đầu tư, tổ chức TVGSHĐ có trách nhiệm giám sát quá trình thi công của nhà đầu tư (công ty Trung Nam), nhằm xác định thi công có đúng với thiết kế hay không. 

Nếu thấy thi công sai thiết kế, dù sai rất nhỏ, TVGSHĐ phải lập tức thông báo cho nhà đầu tư dự án, không ký vào biên bản giám sát và phải báo cáo cho chủ đầu tư, đó là trách nhiệm, là luật pháp.

Trong khi đó, công ty Trung Nam lại thay thép tiêu chuẩn châu Âu (G7) theo thiết kế bằng thép tiêu chuẩn Trung Quốc. Do đó, TVGSHĐ “tuýt còi” là đúng. Đồng thời báo cáo vụ việc với chủ đầu tư là trách nhiệm của họ.

Về nguyên tắc, công ty Trung Nam phải làm đúng theo thiết kế đã được phê duyệt. Bây giờ, họ lại làm sai thiết kế thì đương nhiên đơn vị TVGSHĐ sẽ không thể đồng tình.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng bị "đắp chiếu" hơn 5 tháng

Việc đơn vị TVGSHĐ không ký xác nhận khi có sự thay đổi trong thiết kế công trình (sử dụng thép Trung Quốc thay cho thép có tiêu chuẩn G7) không những không sai, mà còn phải khen thưởng. Vì họ làm việc nghiêm túc và đúng luật. 

TS. Nguyễn Bách Phúc

PV: Vậy nếu đúng luật, công ty Trung Nam phải thực hiện thế nào nếu muốn thay đổi thiết kế khi thi công?

TS Nguyễn Bách Phúc: Nếu công ty Trung Nam vì một số lý do thấy cần phải thay đổi thiết kế thì trước hết phải báo cáo với chủ đầu tư - ở đây là UBND TP.HCM. Khi đó, chủ đầu tư sẽ yêu cầu đơn vị thiết kế ban đầu kiểm tra lại, tính toán lại bản thiết kế cũ và đề xuất thiết kế mới, sau đó vẫn phải trình chủ đầu tư phê duyệt lại.

Theo luật, quy trình là phải như thế. Tuy nhiên, khi thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, việc thay đổi sử dụng thép Trung Quốc thay vì thép tiêu chuẩn G7 là do công ty Trung Nam tự đề xuất chỉ được sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (sở NN&PTNT) TP.HCM xác nhận.

Họ lý giải rằng, sở này đã được UBND TP giao cho quyền phê duyệt về sự thay đổi thiết kế. Điều này là hoàn toàn sai luật, bởi vì sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn toàn không có chức năng phê duyệt thiết kế công trình.

PV: Vậy ở đây công ty Trung Nam sai hay sở NN&PTNT sai?

TS Nguyễn Bách Phúc: Có hai trường hợp, nếu thực tế chủ đầu tư (UBND TP.HCM - PV) giao cho sở NN&PTNT thẩm định thì UBND TP sai. Nếu Sở tự ý thẩm định, phê duyệt cho đơn vị thi công thay đổi thiết kế thì lại càng sai trầm trọng, bởi sở NN&PTNT không có chức năng, nhiệm vụ hay tư cách của người thiết kế công trình.

Hơn nữa, việc thay đổi thiết kế là nhiệm vụ của đơn vị thiết kế, được chủ đầu tư thuê, chứ không phải chủ đầu tư giao cho một đơn vị như sở NN&PTNT - chuyên đi lo trồng cây gì, nuôi con gì - đi phê duyệt thiết kế kỹ thuật cho công trình gần 10.000 tỷ đồng như vậy. Làm như vậy là hết sức bậy.

Do vậy, Trung Nam cãi như thế là hoàn toàn sai.

Gỡ nút thắt từ đâu?

PV: Một số ý kiến cho rằng, việc ngân hàng không giải ngân cho dự án là nguyên nhân khiến tiến độ thi công chậm trễ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Nguyễn Bách Phúc: Việc ngân hàng không giải ngân cho dự án là hoàn toàn đúng, chứ không sai như một số thông tin dư luận đưa ra. Theo luật thì ngân hàng chỉ giải ngân khi công trình được xác nhận làm đúng tiến độ, đúng thiết kế, ngân hàng giải ngân (cấp tiền) từng bước, bước nào hoàn thành thì được giải ngân.

Tuy nhiên, tại dự án này, đơn vị TVGSHĐ không ký xác nhận thì đồng nghĩa với việc, công trình này chưa hoàn thành theo thiết kế, theo tiến độ. Do đó, việc giải ngân cho bước sau là không có. Vì vậy, nói ngân hàng không chịu giải ngân là thiếu căn cứ, không có cơ sở.

"Không thể giao cho một đơn vị như là sở NN&PTNT - chuyên đi lo trồng cây gì, nuôi con gì - đi phê duyệt thiết kế kỹ thuật cho công trình gần 10.000 tỷ như vậy. Làm như vậy là hết sức bậy", TS. Nguyễn Bách Phúc.

PV: Tuy nhiên trong cuộc họp đơn vị TVGSHĐ không đến họp để giải quyết khúc mắc, mâu thuẫn giữa các bên. Vậy làm thế nào để các bên giải quyết vấn đề này?

TS Nguyễn Bách Phúc: Đầu tiên phải làm rõ lý do vì sao đơn vị này lại không đến họp. Theo như thông tin mà các phương tiện truyền thông cho biết, nhân viên của đơn vị TVGSHĐ đến hiện trường bị đe doạ, mất an toàn. Tuy nhiên, đây chỉ là phát ngôn của đơn vị TVGSHĐ, do đó, các bên liên quan phải vào cuộc xác minh thông tin trên có đúng hay không, nếu cần thiết thì để cơ quan chức năng có thẩm quyền (như công an) điều tra, xử lý vấn đề này. 

TS. Nguyễn Bách Phúc.

Việc để dự án đình trệ trong thời gian dài rõ ràng là do lỗi của chủ đầu tư. Vừa rồi UBND TP.HCM có chỉ đạo cho Chánh Văn phòng tổ chức họp báo và nhận lỗi với người dân. Ở đây không phải nói xin lỗi cho vui mà thay vào đó, chủ đầu tư cần có những động thái, phương án giải quyết theo hướng:

Một là, yêu cầu đơn vị thiết kế, đánh giá lại toàn bộ công trình, chứ không thể nói thay một số chi tiết sẽ không ảnh hưởng tới công trình. Bởi, thay đổi bất cứ chi tiết nào đó cũng sẽ làm đảo lộn toàn bộ công trình. Do đó, phải yêu cầu đơn vị này kiểm tra, đánh giá lại, đồng thời có kết luận về việc thay đổi đó, bằng một bản thiết kế mới.

Nếu chủ đầu tư quyết định phê duyệt theo thiết kế mới, lúc đó, đơn vị TVGSHĐ sẽ không còn vấn đề gì tranh cãi hay thắc mắc nữa.

Hai là, chủ đầu tư phải xác minh xem đơn vị TVGSHĐ có bị đe dọa hay không?. Nếu có, phải có biện pháp xử lý người đe doạ. Nếu không thì cũng phải có xử lý thích đáng để đơn vị TVGSHĐ nghiêm túc làm việc.

Trong trường hợp, nếu có kết luận là đơn vị TVGSHĐ vu khống cho bên thi công thì đương nhiên sẽ cắt hợp đồng, rồi chọn và ký hợp đồng với TVGSHĐ khác.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!