Thể thao

Đốt pháo sáng trên sân Mỹ Đình: Một người quá khích phá hoại nỗ lực của triệu người

Chuyên gia văn hoá cho rằng, hành động một số CĐV Việt Nam bất chấp quy định, đốt pháo sáng trên sân vận động Mỹ Đình trong trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia vào tối 16/11 là thiếu ý thức và đang phá hoại nỗ lực xây dựng hình ảnh của cả tập thể.

Việt Nam sẽ phải đá trung lập?

Tối 16/11, trên sân vận động Mỹ Đình đã diễn ra trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia trong khuôn khổ bảng A, AFF Cup 2018. Đội tuyển Việt Nam đã có những bàn thắng đẹp mắt được ghi bởi Công Phượng, Anh Đức. Hàng nghìn người hâm mộ Việt vỡ òa sung sướng khi đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng. Tuy nhiên, một số CĐV đã ăn mừng bằng cách đốt pháo sáng ngay trong sân. Không dưới 4 lần một số CĐV trên sân đốt pháo. Chỉ một vài lần cơ quan chức năng kịp thời dập tắt.

Việc đốt pháo sáng đã được nhiều lần đề cập trước trận đấu này. Thậm chí VFF còn thông báo với người hâm mộ rằng Việt Nam có thể bị phạt rất nặng nếu cổ động viên đốt pháo, đội tuyển có nguy cơ bị tước quyền đá sân nhà. Thế nhưng, trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia vừa qua, một số CĐV quá khích đã không tuân thủ nguyên tắc khiến cho không chỉ người hâm mộ khác bất bình mà các cầu thủ cũng cảm thấy bất lực.

Cổ động viên đốt pháo sáng trên sân vận động Mỹ Đình trong trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia.

Trưa ngày 17/11, trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin ông Lê Hoài Anh (Tổng thư ký VFF) cho biết: “Trước và trong trận đấu, liên đoàn đã phối hợp hết sức với lực lượng an ninh không chỉ thắt chặt an ninh mà còn có những clip để tuyên truyền các CĐV không đốt pháo sáng. Thậm chí, còn phát trên loa kêu gọi CĐV không nên đốt pháo sáng gây ảnh hưởng đến không khí của trận đấu cũng như hình ảnh Việt Nam.

Tuy nhiên, khi vào trận đấu, vì quá phấn khích nên CĐV đã đốt pháo sáng. May mắn, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng phát hiện ra và dập tắt. Việc người hâm mộ thiếu ý thức đã gây rắc rối cho ban tổ chức”.

Hình ảnh và những clip CĐV đốt pháo sáng nhanh chóng được lan truyền, nhiều người cho rằng trận đấu tới, đội tuyển Việt Nam có nguy cơ đá sân trung lập. Trước thắc mắc này, ông Lê Hoài Anh khẳng định: “Việc đá sân trung lập đó phải là những trường hợp nghiêm trọng, nhiều pháo được đốt trên sân. Còn trường hợp của chúng ta chắc chắn sẽ bị phạt tiền. Tôi hy vọng trong trận đấu tới người hâm mộ bóng đá sẽ có ý thức hơn, ban tổ chức sẽ phối hợp với lực lượng chức năng chặt chẽ hơn để không còn những chuyện đáng tiếc đó xảy ra”.

Phá hoại nỗ lực của cả tập thể

Nhiều CĐV đã biện minh rằng, hành động đốt pháo sáng trong sân vận động khi đội nhà giành chiến thắng chỉ là cách ăn mừng hơi quá khích. Nhưng, đối với một sân chơi lớn như VFF và văn hoá của người hâm mộ ngày càng nâng cao như hiện nay, lời biện minh đó giống như "đổ thêm dầu vào lửa". 

Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: “Việc đốt pháo sáng trên sân cỏ là điều cấm vì nó gây phản cảm, vi phạm trật tự trong sân cỏ. Về mặt hành chính sẽ bị phạt. Nhưng hình thức đó chỉ mang tính chất nhắc nhở, răn đe thôi. Hành vi kích động không tốt sẽ gây những hậu quả như bị bỏng, bị cháy thậm chí gây ra đánh nhau trong khi cổ vũ. Đây là điều đáng phê phán và cần rút kinh nghiệm.

Chỉ một quả pháo được đốt trong sân cũng là hành động phá hoại những nỗ lực của cả một tập thể. Những CĐV đó đang làm xấu hình ảnh của người Việt Nam và của toàn đội bóng”.

Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nếu chúng ta ăn mừng chiến thắng một cách có văn hóa hơn, sâu lắng hơn thì hình ảnh của đội bóng Việt Nam, con người Việt Nam sẽ đẹp hơn rất nhiều. Cổ động viên bóng đá cần phải tiếp thu những hành động văn minh, lịch sự, đừng vì quá khích mà phá hoại những nỗ lực xây dựng hình ảnh Việt Nam thời gian qua của hàng triệu người hâm mộ.

Video: Bất chấp lệnh cấm, pháo sáng vẫn rực cháy trên sân Mỹ Đình