Thế giới

Đồng USD đạt mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ

Giá USD được thúc đẩy bởi quan ngại của nhà đầu tư khi các ngân hàng trung ương áp dụng chính sách thắt chặt sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ vào hôm 12/5, trong bối cảnh các nhà đầu tư quan ngại về việc chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhằm kiềm chế lạm phát sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, họ muốn đầu tư vào đồng tiền trú ẩn an toàn.

Lạm phát Mỹ đã tăng vọt ở mức 8,3% vào tháng 4 vừa qua so với cùng kỳ năm trước. Dù lạm phát tháng 4 đã giảm nhẹ so với mức tăng hồi tháng 3 nhưng vẫn gần với mức cao kỷ lục kể từ hè năm 1982. Lạm phát là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi của kinh tế Mỹ sau bước tăng trưởng 5,7% vào năm ngoái - mạnh nhất kể từ năm 1984. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi lạm phát đã lan sang các lĩnh vực như nhà ở, ôtô.

Bà Kathy Jones, Trưởng bộ phận chiến lược thu nhập cố định tại công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab, nhận định: “Chúng ta bắt đầu thấy giá năng lượng giảm nhẹ, tuy nhiên điều đó là chưa đủ”; “Thị trường đang hy vọng mức giá tốt hơn, mức này là chưa đủ để loại bỏ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ”.

Đồng USD đã được thúc đẩy khi các nhà đầu tư quan ngại rằng việc các ngân hàng trung ương thắt chặt hơn nữa có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.  Chỉ số đồng USD (DXY), đo lường sự biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt khác (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã tăng 0,4% lên 104,44, mức cao nhất kể từ tháng 12/2002.

Chứng khoán châu Á giảm xuống mức thấp nhất gần hai năm, chứng khoán châu Âu lao dốc và giá dầu giảm 2% hôm 12/5.

Bất chấp hôm 11/5 Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã phát đi tín hiệu rằng ECB có thể nâng lãi suất từ mức thấp lịch sử vào tháng 7 tới, đồng Euro vẫn chịu nhiều sức ép do các nhà đầu tư quan ngại rằng cuộc xung đột Ukraine và giá năng lượng tăng cao có thể khiến Khu vực đồng Euro (Eurozone) rơi vào suy thoái vào cuối năm nay. Lạm phát tại Eurozone đã lên tới 7,5% trong tháng 4, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra.

Đồng Euro đã giảm 0,5% xuống còn 1,0463 USD, trước đó đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017 là 1,044 USD.

Khách hàng tại một trạm xăng hãng Chevron ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ, vào ngày 7/3/2022. Ảnh: Bloomberg.

Các chiến lược gia của Tập đoàn tài chính Mizuho nhận định: “Tâm lý rủi ro càng trở nên xấu hơn do những tin tức liên quan đến tình hình Covid-19 của Trung Quốc", những trường hợp hợp nhiễm mới ở trung tâm tài chính Thượng Hải vẫn được báo cáo, làm trì trệ khả năng kết thúc phong tỏa. Đồng NDT của Trung Quốc đã giảm xuống còn 6,8150 NDT/ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2020. 

Việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ cũng gây sức ép lên đồng tiền Nhật. Đồng Yên đã tăng 1% so với đồng USD, tuy nhiên vẫn dao động quanh mức thấp nhất kể từ tháng 4/2002.

Bitcoin, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới theo vốn hóa thị trường, sụt giảm 3% xuống còn 27.584 USD, trước đó đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.  Bitcoin đã mất một phần ba giá trị trong 8 phiên vừa qua. Sự sụt giảm của Terra USD (UST), một stablecoin phi tập trung, càng cho thấy sự căng thẳng trên thị trường tiền điện tử.

Phạm Hà Thanh  (theo Reuters, CNBC)