Kinh tế vĩ mô

Dòng tiền tỷ đô đổ vào chứng khoán: Tiềm lực trong dân rất lớn

Theo TGĐ VNDirect, cần phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, còn nếu phát triển nóng mà không nâng chất sẽ tạo ra khủng hoảng.

Tại buổi tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp- Kênh đầu tư sinh lời và tích sản" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 18/11, nhiều đại diện doanh nghiệp, chuyên gia đã cùng thảo thuận về tiềm năng của thị trường chứng khoán trong việc tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp. 

"Chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên bền vững"

Theo ông Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển sang giai đoạn mới, bền vững và phù hợp với phát triển kinh tế. Sự phát triển thị trường trong hai năm qua là bản lề để chứng khoán tiếp tục đi lên bền vững.

Ông Tiến cho hay, dù đại dịch, thị trường vẫn ghi nhận chỉ số lạc quan. "Về quy mô, thị trường chứng khoán nay đã đạt 133% GDP, quy mô giao dịch thị trường từ hơn 10.000 tỷ đồng/phiên năm 2020, nay đạt 20.000-30.000 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư tham gia trước chỉ đạt 1 triệu, nay đạt gần 4 triệu tài khoản và sẽ cao hơn nữa", ông Tiến nói. 

Tổng Giám đốc SHS nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang vận động đúng quy luật và hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu. "Trong 2020-2021, nước ta đón lượng cổ phiếu ngân hàng thương mại lớn. Các ngân hàng thương mại hiện đã thừa hưởng quá trình tái cơ cấu của Chính phủ hơn 10 năm. Tôi nhớ, thị trường chứng khoán có lúc chỉ 24% GDP - đây là con số rất nhỏ. Hiện thị trường đạt hơn 100% GDP và có khả năng phát triển tốt nữa đạt tới 200% GDP. Khi thị trường phát triển đạt về chất và lượng nhất định thì sẽ phát triển bền vững", ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán SHS trò chuyện tại buổi tọa đàm ngày 18/11.

Ông Tiến dẫn chứng thêm, năm 2020, nước ta huy động hơn 470.000 tỷ đồng qua kênh cổ phiếu, trái phiếu. Năm 2021 con số này ghi nhận khoảng 300.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ.

Riêng SHS, 11 tháng đầu năm 2021 đã tư vấn thành công trái phiếu doanh nghiệp tổng giá trị gần 15.000 tỷ đồng, phát hành cổ phiêu khoảng 10.000 tỷ đồng, trải dài các doanh nghiệp về sản xuất, dịch vụ…

"Giai đoạn khó khăn năm 2020-2021, nhiều doanh nghiệp từ trước đến nay không dám tăng vốn vì sợ không thành công thì đầu năm 2021, họ trao đổi với SHS về các quan ngại và tìm giải pháp để SHS đồng hành với doanh nghiệp", ông nói. 

Ông Tiến nhấn mạnh, vai trò huy động vốn của thị trường chứng khoán đang ngày càng lớn, quan trọng, tạo nguồn vốn bền vững cho doanh nghiệp.

Thị trường tài chính không chỉ có ngân hàng

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect, khi nói đến thị trường tài chính, trước đây chỉ nói đến ngân hàng thương mại mà không có thị trường trái phiếu, cổ phiếu. "Đến nay, kênh thị trường cổ phiếu, trái phiếu, không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn giúp Chính phủ có nguồn vốn", ông Quỳnh cho hay.

Ông Quỳnh cho biết, các doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ các tiêu chí nhất định tham gia vào thị trường trái phiếu để huy động nguồn vốn trung và dài hạn. "Trước đây, vốn phụ thuộc vào ngân hàng thương mại, họ có thế mạnh trong cho vay vốn lưu động, cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Thực tiễn, huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ có rủi ro về tính thanh khoản mong manh dễ vỡ, khủng hoảng", ông nhận định.

Ông Quỳnh dẫn số liệu, tổng dư nợ hiện vào khoảng 150% GDP, trong đó dự nợ trung và dài hạn không quá 70% GDP. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay hơn 20% GDP, vốn trung hạn qua thị trường trái phiếu và cổ phiếu lớn hơn ngân hàng. Thị trường cổ phiếu, trái phiếu giúp doanh nghiệp đa dạng kênh dẫn vốn. 

"Thời gian gần đây, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế từ 2011 với 3 chủ điểm: tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và tái cấu trúc thị trường tài chính. Trong đó phát triển thị trường vốn làm cân bằng thị trường tài chính tạo chiều sâu cho thị trường tài chính với 3 chân kiềng" - Tổng giám đốc VNDirect cho biết.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect nhận định trái phiếu giúp doanh nghiệp và Chính phủ có thêm nguồn vốn.

Cũng theo ông, sự phát triển của thị trường chứng khoán đã giúp cho tái cấu trúc thị trường tài chính thành công, tạo ra nền tảng nâng chất lượng hàng hóa, trong đó có các ngân hàng thương mại niêm yết, đưa các ngân hàng lên sàn tạo nguồn cung chất lượng cao, tái cấu trúc đầu tư công cũng nâng chất lượng trên thị trường.

Về "cầu", trước đây phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài nhưng hiện đã phụ thuộc vào nhà đầu tư trong nước nhiều. Nhu cầu và tiềm năng phát triển cuả thị trường chứng khoán lớn. "Nước ta 100 triệu dân, trong đó hơn 1% trong đó mới tham gia thị trường mà giao dịch 2 tỷ USD cho thấy tiềm năng ở trong dân rất lớn", ông nói.

Ông nhận định ngành ngân hàng hiện có hơn 20 triệu tài khoản cá nhân, tiền gửi ước đạt 5 triệu tỷ. Ông nói: "Nếu phát triển thị trường chứng khoán hoàn thiện, bước vào phát triển chiều sâu, nâng chất lượng của thị trường sẽ tạo ra sự phát triển bền vững. Còn nếu phát triển nóng mà không nâng chất sẽ tạo ra khủng hoảng".

Các doanh nghiệp Việt Nam có sự trưởng thành rất mạnh, trong năm vừa qua, VNDirect lần đầu tiên có giao dịch phát hành thành công, huy động được 11.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự lớn mạnh của doanh nghiệp, chất lượng hoạt động, uy tín hoạt động. "Việc tìm ra những doanh nghiệp có năng lực quản trị năng lực kinh doanh tốt tham gia vào thị trường tài chính cũng đem đến cho nhà đầu tư có cơ hội, giúp dòng vốn luân chuyển hiệu quả, tích cực", ông cho hay. 

3 động lực rõ ràng

Ông Trần Lê Minh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chi nhánh Hà Nội, CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital nhận định đang có sự thay đổi về chất của thị trường chứng khoán.

Theo ông Minh, động lực phát triển của thị trường trước đây chưa rõ ràng nhưng hiện đã có 3 động lực chính, gồm động lực tài chính, động lực công nghệ và động lực về nhận thức của nhà đầu tư. 

Ông Minh cho hay, mức tăng trưởng thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam tăng khiến người dân có nhu cầu đầu tư tài chính, nhu cầu đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, bảo hiểm tăng do xu hướng giảm mặt bằng lãi suất tiết kiệm.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán hàng đầu và ngành quản lý quỹ đã có thay đổi đáng kể, công nghệ cho phép nhà đầu tư phát triển dễ dàng. Một phần mềm trên di động cũng có thể giúp đầu tư chứng khoán.

Ông Trần Lê Minh cho biết công ty chứng khoán gặp khoảng trống về pháp lý khi phát triển số hóa.

"Bên cạnh đó, trong nhiều năm, chúng tôi kiến nghị cần quan tâm hơn đến giáo dục nhận thức nhà đầu tư nhưng thời gian hai năm trở lại đây số lượng nhà đầu tư tăng lên đáng kể", ông nói. 

Tuy nhiên, theo ông Minh, thế hệ nhà đầu tư có kiến thức đầu tư vẫn chưa thực sự nhiều. Ông lấy dẫn chứng, trong vòng 9 tháng đầu năm nay, chất lượng phát hành cổ phiếu có vấn đề. Cụ thể, những công ty bất động sản chưa niêm yết phát hành cổ phiếu nhiều nhất (hơn 100 tỷ đồng) gây ra rủi ro vì bởi tính minh bạch chưa có.

"Đứng ở góc độ ngành quản lý quỹ ngành đang đứng trước cơ hội lớn, phát triển nhanh nhưng rủi ro về mặt pháp lý do khuôn khổ pháp lý hiện tại trễ hơn so với sự phát triển của thị trường. Chúng tôi gặp khoảng trống về pháp lý khi phát triển số hóa", Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital cho hay.

Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect Đỗ Ngọc Quỳnh cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Uỷ ban chứng khoán nâng cao chất lượng của các tổ chức tham gia thị trường. "Cần áp dụng chuẩn mực cao hơn, sàng lọc những công ty chứng khoán không đạt điều kiện và mở nới cho các công ty chứng khoán hoạt động hiệu quả", ông Quỳnh nói.

Năm 2020, tổng kết doanh thu của các công ty chứng khoán tại Việt Nam đạt khoảng 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 7.000 tỷ đồng, ông Quỳnh đánh giá con số này không bằng một ngân hàng thương mại. "Để phát triển cần nâng cao chất lượng và cần có những chính sách nới rộng để công ty chứng khoán phát triển hơn", ông Quỳnh nhận định