Hồ sơ doanh nghiệp

Dòng tiền kinh doanh âm, Everland tăng vốn để làm dự án nghìn tỷ

Dòng tiền kinh doanh 9 tháng năm 2021 của Everland âm đến 606 tỷ đồng. Để triển khai loạt dự án bất động sản, Công ty phát hành tăng vốn điều lệ thêm 1.102 tỷ đồng.

Lợi nhuận giảm sâu

Công ty Cổ phần Đầu tư Everland (MCK: EVG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2021 với doanh thu và lợi nhuận giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần của EVG đạt gần 174 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ doanh thu bán nguyên liệu, hàng hóa. 

Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán và các khoản chi phí, thuế, Everland ghi nhận lãi sau thuế 635,2 triệu đồng trong quý III, giảm 88,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong văn bản giải trình, Everland cho biết, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh chung của các doanh nghiệp trong quý III, dẫn tới các chỉ tiêu của Everland đều sụt giảm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Everland đạt hơn 690 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm âm 606 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Everland đã thông qua mục tiêu kinh doanh tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.270 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 42,6 tỷ đồng.

Với kết quả sau kinh doanh sau 9 tháng, EVG mới chỉ hoàn thành được 54% mục tiêu doanh thu và 37% mục tiêu lợi nhuận.

Tăng vốn, triển khai loạt dự án nghìn tỷ

Tại thời điểm 30/9/2021, nợ phải trả của Everland là 435 tỷ đồng, chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn (308 tỷ đồng). Công ty sử dụng đòn bẩy tài chính rất ít, với giá trị vay ngắn hạn tại thời điểm cuối quý III chỉ là 2 tỷ đồng tại Ngân hàng Quân Đội. Ở chiều ngược lại, Everland có 15 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân.

Cùng tại thời điểm này, tổng tài sản của công ty đạt 1.987 tỷ đồng, tăng 93% so với đầu năm. Nguyên nhân khiến tài sản của Everland tăng mạnh là do công ty ghi nhận khoản Trả trước cho người bán ngắn hạn lên tới 813 tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với đầu năm. Phần lớn trong đó là trả trước cho CTCP Everland Vân Đồn 672 tỷ đồng và CTCP Everland Phú Yên 140 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Everland cũng ghi nhận khoản Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tại ngày 30/9/2021 là 223,5 tỷ đồng, tăng 99% so với đầu năm. Toàn bộ khoản góp vốn này được đầu tư vào CTCP Crystal Holidays. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, du lịch, đóng tàu, quản lý du thuyền; thương mại; kinh doanh bất động sản, xây dựng với vốn điều lệ tại ngày 30/6/2020 là 36 tỷ đồng.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2021, EVG dự kiến tổng tài sản đạt 2.309 tỷ đồng vào cuối năm nay. Cùng với đó, mục tiêu trong năm nay của EVG là tiếp tục tái cấu trúc mô hình hoạt động của Tập đoàn theo chiều sâu. Công ty mẹ Everland sẽ tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn là phát triển và kinh doanh bất động sản. Các lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ, thương mại, xây dựng... sẽ từng bước chuyển giao cho các công ty con thực hiện.

Phối cảnh dự án Tổ hợp Du lịch nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn.

Ngoài ra, Everland cũng đặt mục tiêu sẽ tăng tốc triển khai các dự án bất động sản, trong đó ưu tiên 4 dự án với quy mô vốn gần 10.000 tỷ đồng, gồm: Dự án Tổ hợp Du lịch nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn; Dự án Khu nghỉ dưỡng Crystal Holidays Marina Phú Yên; Dự án Tổ hợp Thương mại dịch vụ và Du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay; Dự án The New City Châu Đốc.

Để có thêm nguồn lực tài chính triển khai các dự án, các cổ đông của công ty đã nhất trí thông qua kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ thêm 1.102 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ của Everland lên 2.152 tỷ đồng trong năm 2021. Tuy nhiên đến nay, Everland chưa chốt thời điểm cụ thể cho đợt phát hành này.