Tài chính - Ngân hàng

Dòng tiền bắt đáy xuất hiện, chứng khoán thoát nạn bán tháo

Chứng khoán bị bán tháo ngay khi mở cửa phiên 10/5 song dòng tiền bắt đáy đổ về nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, dầu khí... khiến VN-Index tăng 24 điểm.

Sau phiên lao dốc mạnh ngày 9/5, thị trường bước vào phiên giao dịch 10/5 với áp lực bán mạnh ở hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu. Không có nhóm nào giữ được sắc xanh đầu phiên giao dịch, các mã chứng khoán bị bán tháo với biên độ giảm lớn.

VN-Index có thời điểm giảm đến trên 34 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy có phần xuất hiện và điều này giúp các chỉ số thu hẹp phần nào đà giảm. Đến hết phiên sáng, VN-Index dừng ở mức 14,52 điểm, trong khi đó HNX-Index giảm 4,06 điểmcòn 319,33 điểm và UPCoM-Index giảm nhẹ 0,08% xuống 96,42 điểm. Toàn thị trường vẫn ghi nhận sắc đỏ chiếm ưu thế. Thanh khoản thị trường không nổi bật khi duy trì ở mức trên 11.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phiên giao dịch chiều ghi nhận sự đảo chiều mạnh mẽ. Từ việc mất tới 34 điểm, VN-Index đã dần hồi phục về tham chiếu và bứt phá với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đà tăng điểm dần lan ra nhóm dầu khí, ngân hàng, bán lẻ, năng lượng...  

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 23,94 điểm, tương ứng 1,89% lên 1.293,56 điểm. Toàn sàn có 280 mã tăng, 168 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,63 điểm, tương ứng 2,05%) lên 330,02 điểm. Toàn sàn có 138 mã tăng, 83 mã giảm và 41 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 2,56 điểm, tương ứng 2,65% lên 99,06 điểm.

Riêng nhóm VN30 chỉ số đại diện tăng tới hơn 31 điểm, tương ứng 2,39% vói 28 mã ghi nhận tăng giá và chỉ có hai mã giảm giá là GVR và VRE. 

Nhóm cổ phiếu dầu khí có mức tăng tốt và dẫn dắt thị trường, phải kể đến như GAS tăng gần 3% và nằm trong top các cổ phiếu tác động tích cực nhất tới chỉ số chung. Một vài mã thuộc nhóm này còn tím trần như PVC, PVD, PVS... Các mã còn lại cũng tăng điểm với biên độ từ 1-5% sau chuỗi giảm dài theo đà đi xuống của thị trường như PLX, POS, PTV, OIL, BSR... Nhóm cổ phiếu năng lượng điện cũng tăng tích cực. REE tím trần, VHS tăng 1,9%, POW tăng 2,7%...

Cổ phiếu dầu khí bứt phá trở lại sau chuỗi giảm sâu. (Ảnh: SSI)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có VCB tăng 2,7% và là một trong mã tác động tích cực nhất đến thị trường. Nhóm này có những cổ phiếu tăng tốt như BID tăng 3,92%, VPB tăng 4,72%, MBB tăng 3,24%... Sắc xanh đang trở lại nhóm cổ phiếu "vua" song sau phiên giảm ngày 9/5, nhóm này chưa thực sự phục hồi, vẫn còn một số mã duy trì sắc đỏ như ABB, BVB, OCB, PGB...

Cổ phiếu thuỷ sản cũng là một trong các nhóm đảo chiều ấn tượng trong ngày. Hai mã ANV của Nam Việt và CMX của Camimex tăng trần, VHC tăng 3,76%, FMC tăng 4,4%... Các mã liên quan đến Bamboo Capital hôm nay tăng tích cực với BCG tím trần và TCD tăng tích cực 2,8%.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ hôm qua giảm sàn hàng loạt song đến hôm nay đã ngược dòng tăng giá. PNJ tăng gần 4%, MWG tăng 2,7%, DGW phục hồi 0,95% so với tham chiếu... Song vẫn có mã giảm như FRT giảm tới hơn 6% hay VRE giảm 0,35%. 

Cổ phiếu thuộc nhóm ngành tài chính tác động tích cực đến thị trường chứng khoán phiên ngày 10/5. (Ảnh: FireAnt)

Nhóm cổ phiếu đầu cơ phiên ngày 10/5 đã có thanh khoản và tăng trở lại. Sau chuỗi ngày bị bán tháo, FLC, KLF, ART tăng trần, ROS tăng 6,6%, AMD tăng 4,5%. Nhóm cổ phiếu liên quan Apec tăng tốc ấn tượng khi lãnh đạo đăng ký mua cổ phiếu trong đó APS và IDJ tăng trần, API cũng tăng hơn 5,1%. Theo đó, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng Giám đốc Chứng khoán Apec vừa đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu APS để nâng sở hữu từ 10,8 triệu cổ phiếu (chiếm tỉ lệ 13,1% vốn) lên 11,8 triệu cổ phiếu (chiếm tỉ lệ 14,2% vốn). Phương thức giao dịch là thỏa thuận và khớp lệnh, được thực hiện từ ngày 11/5 đến ngày 27/5. Cổ phiếu "họ Louis" ghi nhận BII và SMT tăng kịch trần. Một số mã riêng lẻ có tính đầu cơ cao như HQC, OGC, DAG, VC9, YEG cũng kết phiên trong sắc tím.

Ở chiều ngược lại, vẫn có những nhóm ngành có cổ phiếu tác động xấu đến thị trường như phân bón. DPM, DCM giảm sàn. 

Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh mẽ với hơn 714 tỷ đồng. Mã DGC được mua mạnh nhất với khối lượng trên 100 tỷ đồng. Ngoài ra, STB được mua 70 tỷ đồng, HPG 62 tỷ đồng, NLG 59 tỷ đồng, BCM 54 tỷ đồng... Một số mã ghi nhận bị bán là VRE 32 tỷ đồng, VNM 25 tỷ đồng, DGW 20,1 tỷ đồng...

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên ngày 9/5. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 17.732 tỷ đồng, giảm 8,9%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 6% xuống 16.100 tỷ đồng