Sự kiện

Động thái mới nhất từ phía Grab trước những thay đổi về kinh doanh vận tải bằng ô tô

Theo bà Đặng Thùy Trang, đại diện hãng Grab tại Việt Nam cho biết, hiện phía Grab đang xây dựng văn bản để có kiến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng.

Mới đây, bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phát đi thông cáo chính thức về Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô với nhiều điểm đáng chú ý như việc xử lý hiệu quả hơn tình trạng “xe dù, bến cóc” và “xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định”; bổ sung nội dung quy định lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải và đặc biệt là việc phân định rõ giữa Đơn vị kinh doanh vận tải và Đơn vị chỉ cung cấp hỗ trợ kết nối vận tải.

Theo đó, Nghị định 10 quy định từ ngày 1/4, các hãng công nghệ cung cấp phần mềm kết nối như Grab, Be... sẽ được xem là các hãng cung cấp phần mềm, dịch vụ; không phải là doanh nghiệp vận tải. Do vậy, theo quy định các hãng này không được phép điều hành, quản lý hoạt động của phương tiện, cũng như thu tiền từ tài xế, hành khách.

Xóa quyền điều hành của đơn vị cung cấp ứng dụng vận tải từ 1/4.

Cụ thể, Điều 35 của Nghị định số 10 đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được chia thành 2 trường hợp:

Trường hợp 1, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp 2, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của Nghị định. Bao gồm các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điểm c, Điểm d, Điểm e, Điểm i, Điểm k Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 4/3, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Thùy Trang, đại diện hãng Grab tại Việt Nam để tìm hiểu hướng đi tới đây của hãng trước nghị định mới.

Bà Trang cho biết: “Ngay từ những ngày đầu xuất trên thị trường, Grab là doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật và khi đến Việt Nam cũng đã thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước. Việc ban hành Nghị định 10 đã thể hiện sự nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ để phát triển kinh tế số, trong đó có quản lý vận tải”.

Theo bà Trang, Nghị định 10 có một số quy định khác biệt với quy định trước đây, và phía Grab đang nghiêm túc tiếp thu và sẽ làm việc với cơ quan chức năng để chuẩn các bước thực hiện Nghị định. Tuy nhiên, Grab cũng sẽ có một số kiến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng tại Việt Nam trong đó có sở GTVT Hà Nội.

Khi phóng viên ngỏ ý muốn tìm hiểu nội dung của những kiến nghị, đề xuất từ phía Grab thì bà Trang cho biết sẽ thông tin sớm tới cơ quan báo chí ngay sau khi có đầy đủ nội dung.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Sinh Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: “Nghị định 10 ban hành sẽ giúp các cơ quan quản lý có hành lang, pháp lý để quản lý nhiều loại hình vận tải mới, phức tạp. Tuy nhiên, sở GTVT cũng cần quan tâm đến hàng vạn lao động, lái xe của Grab, Be… sẽ chuyển đổi thế nào sau ngày 1/4".

Nguyễn Lâm