Giáo dục

Đồng nhất tự chủ đại học với tự chủ tài chính gây nhiều khó khăn

Đại diện các cơ sở giáo dục đại học cho rằng tự chủ mang lại sức sống mới nhưng vẫn còn nhiều trường e ngại trong quá trình thực hiện.

Tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhiều ý kiến đóng góp đã được nêu ra từ các đại diện khối các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương đánh giá thời gian qua nhận thức chung trong hệ thống về phát triển giáo dục đã có nhiều thay đổi trong hướng tích cực.

“Đến nay, chúng ta chú trọng đào tạo phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả. Quan tâm nâng cao năng lực năng lực giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất. Đặc biệt, nhiều trường đại học đã quan tâm chiến lược chuyển đổi số, giáo dục đào tạo đáp úng yêu cầu và hội nhập quốc tế”, ông Bùi Anh Tuấn đánh giá.

Về tự chủ đại học, ông Tuấn cũng cho rằng tự chủ mang lại sức sống mới cho các trường đại, đa số các cơ sở đại học đã thành công khi thực hiện tự chủ.

GS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, “nhận thức và kỳ vọng giữa các bên về tự chủ đại học còn khác nhau, còn nhiều quan điểm đồng nhất tự chủ đại học là tự chủ tài chính từ đó cắt giảm đầu tư là chưa phù hợp”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn bày tỏ.

Đại diện Trường Đại học Ngoại thương cũng nhận thấy nhiều quy định hiện hành chưa phù hợp, thậm chí hạn chế tự chủ đại học, cụ thể là những chính sách liên quan đến thuế đất, nhân sự, liên kết đào tạo. Cùng với đó, lộ trình tự chủ đại học chưa rõ ràng, thiếu cơ chế thị trường để các trường cạnh tranh, phát triển.

Những khó khăn khiến cho một số trường đại học e ngại trong tự chủ, hiểu sai về quyền tự quyết dẫn đến thưc hiện sai.

Với những hạn chế trên, ông Bùi Anh Tuấn kiến nghị: “Cần rà soát điều kiện hành lang pháp lý, tiếp tục phát huy ưu điểm của tự chủ đại học. Đặc biệt cần có nghị định mới về tự chủ đại học để thúc đẩy sự phát triển tự chủ, đảm bảo bình đẳng, tăng cường kiểm tra giám sát và tạo môi trường cho các trường”.

Ông Tuấn cũng lưu ý mong muốn có cơ chế đầu tư, hình thành các quỹ, để hỗ trợ các trường phát triển tự chủ đại học trong thời gian tới.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc kiến nghị 3 vấn đề đối với giáo dục đại học.

Tại hội nghị, PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc học viện Công nghệ Bưu Chính viễn Thông cũng cho rằng quy hoạch về giáo dục đại học nếu không được có sự hỗ trợ từ Nhà nước thì rất khó cạnh tranh.

“Nếu chúng ta vẫn lấy học phí để chi hường xuyên thì rất khó bắt kịp với các nước trên thế giới”, PGS.TS Đặng Hoài Bắc phát biểu.

Đại diện cơ sở giáo dục đại học cũng mong muốn cần hình thành nền giáo dục chia sẻ, các trường phối hợp với nhau trong mọi lĩnh vực dưới sự định hướng của Bộ GD&ĐT thì mới có thể phát triển nhanh.

Ngoài ra, ông Bắc cũng mong muốn không chỉ các trường đại học đầu tư vào Việt Nam mà chúng ta trong thời gian tới các trường đại học cần mạnh dạn đầu tư sang nước ngoài để giáo dục có ảnh hưởng đến các nước trên thế giới.

Cuối cùng, là cần quan tâm hơn nữa tới đội ngũ sinh viên, có định hướng cho các em để thực hiện những hoạt động tốt nghiên cứu, tạo động lực có tri thức mới, đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai rộng khắp trong toàn ngành Giáo dục.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng.