Văn hoá

Dòng người nườm nượp đổ về chùa Ngọa Vân dự lễ Vu Lan báo hiếu

Trong lần đầu tiên tổ chức, chùa Ngọa Vân đã đón khoảng trên 3000 Phật tử trở về lễ Phật, lễ Tổ và tham dự đại lễ Vu Lan báo hiếu. Nơi đây được coi là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm, chính là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo rồi nhập cõi Niết Bàn.

Chùa nằm ở vị trí trung tâm sườn phía Nam của núi Bảo Đài (nay là núi Vây Rồng), thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, thuộc dãy núi Yên Tử. Ở độ cao trung bình trên 500m so với mặt nước biển, tựa lưng vào núi Bảo Đài. Chùa là một cụm các công trình phân bố từ chân lên đỉnh của ngọn Ngọa Vân, nơi nhân dân hiện nay quen gọi là khu Chùa đổ hay Nhà Mẫu và Bàn Cờ tiên.

Ngay từ sáng sớm, rất nhiều du khách thập phương, tăng ni, Phật tử đã có mặt tại chân núi, chuẩn bị hành hương lên chùa.

Cô Nguyễn Lan Hương, một Phật tử đến từ Bắc Ninh cho biết, cô đã phải dậy từ 3h sáng để di chuyển cho kịp đến giờ dự lễ. Có cả những du khách từ miền Trung xa xôi, thành tâm đến cúng bái.

Dòng người ngay ngắn xếp theo hàng lối chờ đến lượt đi cáp treo, không hề xảy ra tình trạng xô lấn, chen đẩy. Ai cũng mang trong mình một niềm tâm tư khi về đất Phật.

Sau khi được trùng tu, xây dựng lại, với hệ thống cáp treo cùng đường đi bộ trải bê tông, Ngọa Vân giờ đây trở thành một điểm đến hành hương lễ Phật vô cùng đặc biệt.

Hình ảnh những chuyến cáp treo nườm nượp nối đuôi nhau để đưa phật tử lên chùa Ngọa Vân dự lễ Vu Lan.

Được xây dựng lại, nâng cấp, nhưng những giá trị cốt lõi của chùa Ngọa Vân được lưu giữ trọn vẹn, khiến ai đặt chân đến đều thấy lòng thư thái, niệm ngộ được rất nhiều những điều tốt đẹp trong giáo lý nhà Phật.

Đại lễ lần đầu tiên được tổ chức trên núi nên điều kiện không được thuận lợi và đầy đủ như tổ chức bên dưới. Song ban tổ chức cũng đã rất nỗ lực để tạo điều kiện tốt nhất cho các Phật tử được tham dự đại lễ và thăm quan núi rừng Ngọa Vân, lễ Phật, lễ Tổ.

Đại lễ được tổ chức nhằm nhắc nhở những người con về hạnh hiếu như lời Phật dạy trong kinh Nhẫn Nhục: “Tột cùng của điều THIỆN không gì hơn đó là HIẾU, tột cùng của điều ÁC không gì hơn đó là BẤT HIẾU.” 

Trong thời pháp thoại buổi sáng, Đại Đức Thích Nguyên Phúc - Ủy viên BTS GHPVN tỉnh Quảng Ninh đã giảng rõ nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Vu Lan Báo Hiếu trong đạo Phật và chỉ dạy các hàng Phật tử muốn báo hiếu cho cha mẹ phải thể hiện bằng hành động thiết thực, cụ thể, chứ không phải chỉ nói suông và đến ngày lễ Vu lan thì sụt sùi khóc với nhau.

Bông hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực hoa hồng cao quý là tình cảm đẹp nhất, kính trọng nhất đối với bậc sinh thành. Mang ý nghĩa sâu sắc đó, nhiều người Việt Nam khi đến ngày Vu Lan đều cài một bông hồng trên áo. Bông hoa hồng màu đỏ là biểu tượng của việc còn cha mẹ, những người đã mất mẹ thì cài hoa màu trắng.

Người con có hiếu phải biết làm theo lời Phật dạy, sống có đạo đức, phụng dưỡng mẹ cha cả về vật chất lẫn tinh thần và hơn hết, nếu cha mẹ chưa biết hướng thiện thì phải hướng cho cha mẹ tin kính Tam Bảo, thực tập hạnh lành để được an lạc, giải thoát thực sự.

Hy vọng rằng tinh thần hiếu đạo sẽ thấm sâu vào lòng mỗi người Phật tử và lan tỏa đến cộng đồng xã hội. Người người, nhà nhà cùng sống thực hành hạnh hiếu, xã hội sẽ hạnh phúc và tốt đẹp hơn.