Dân sinh

Đồng Nai: Xử lý vụ “tài công nhí" điều khiển phà chở khách qua sông

Ngày 29/8, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai tiến hành mời chủ phương tiện đường thủy BKS ĐN-0871 lên làm việc và lập biên bản tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký.

Trước đó, ngày 27/8 một clip với lưu lượng hơn 1 phút xuất hiện trên mạng xã hội ghi lại cảnh một cậu bé khoảng hơn 10 tuổi điều khiển chiếc phà BKS ĐN-0871 (loại chuyên dụng chở khách và phương tiện) chở nhiều người và xe máy băng ngang trên sông Đồng Nai nối 2 bến đò là bến đò Hiếu Liên (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) và bến đò Tân Uyên (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Đây là bến đò kết nối giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương với lưu lượng khách lên đến gần 500 người mỗi ngày. Đặc biệt, đây là khu vực hạ lưu của thủy điện Trị An nên dòng chảy rất xiết, nhiều dải đá ngầm và lòng sông sâu nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sau khi clip xuất hiện, cộng đồng mạng đều hoảng hồn với sự cẩu thả, vô trách nhiệm của chủ phương tiện khi giao vô lăng cho một cậu bé điều khiển chở nhiều người và phương tiện qua sông. Nếu chẳng may có sự cố xảy ra thì hậu quả không ai dám nghĩ tới.

"Tài công nhí" điều khiển phà chở khách. (Ảnh cắt từ clip).

Trao đổi với Người Đưa Tin, Ông Nguyễn Phan Trong – Chánh Thanh tra sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai cho biết, qua tiếp nhận phản ánh thông tin trên, ngày 29/8 Thanh tra sở GTVT tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Cửu đã tiến hành mời chủ phương tiện là ông Phạm Văn Thân, SN 1960 ngụ tại tổ 7, ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu là chủ phương tiện sà lan ĐN-0871 lên làm việc về 2 lỗi vi phạm.

Một là giao phương tiện cho người không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định điều khiển phương tiện nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Hai là không hướng dẫn hành khách sử dụng các thiết bị cứu sinh.

Tại đây, ông Phạm Văn Thân đã thừa nhận những sai phạm của mình.

Hiện, Thanh tra sở GTVT đã lập biên bản tạm giữ chúng nhận đăng ký với phương tiện trên để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu chuyện trên đặt ra một vấn đề hết sức nghiêm trọng nữa, đó là lỗi chấp nhận rủi ro của chính những hành khách khi đi đò.

Nếu phát hiện ra phương tiện không an toàn như trên hoặc trên phương tiện không có dụng cụ cứu sinh là áo phao, hành khách cương quyết không nên đi và phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Đó là hành động đúng đắn góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và của mọi người, giúp ngăn chặn những đáng tiếc có thể xảy ra.

Thanh Hải