Sự kiện

Đồng Nai: Triển khai phòng cháy tại khu dân cư mùa khô 2022

Theo số liệu của Công an tỉnh Đồng Nai, trong 5 tháng đầu năm 2022, trên toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến giữa tháng 5/2022 (khi mùa khô năm 2022 cơ bản kết thúc), số vụ cháy trên toàn tỉnh được kéo giảm so với mùa khô năm 2021. Đây là kết quả của việc tập trung kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sau nhiều tháng gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Thượng tá Nguyễn Công Lợi, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai cho hay, có được kết quả trên là nhờ từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC toàn tỉnh đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền về an toàn PCCC.

Tập trung cho người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp; lãnh đạo địa phương; người dân khu chung cư cao tầng, bảo vệ trung tâm thương mại… Qua đó, góp phần nâng cao ý thức về PCCC bằng các biện pháp phòng ngừa là chính.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra an toàn PCCC tại Công ty TNHH De Heus (Khu công nghiệp Dầu Giây, H.Thống Nhất) vào đầu năm 2022.

Mặc dù vậy, thời gian qua, vẫn còn xuất hiện những vụ cháy lớn như: Cháy ở Nhà máy sợi Vinatex Phú Cường (Cụm công nghiệp Phú Cường, H.Định Quán) vào tối 25/4 đã thiêu rụi hàng ngàn m2 nhà xưởng của nhà máy; vụ cháy tại Trường tiểu học Phù Đổng (P.Tân Biên, Tp.Biên Hòa) vào sáng 14/4, làm 1 người tử vong.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm hoặc ngoài giờ làm việc, khi cơ sở đang có rất ít người lao động. Do đó, khi các vụ cháy được phát hiện đã có thời gian cháy kéo dài, vượt quá khả năng khống chế của lực lượng PCCC tại chỗ nên khó dập tắt đám cháy.

Từ đầu năm 2022 đến nay, không ít doanh nghiệp, cơ sở tăng tốc sản xuất, bù lại khoảng thời gian gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác PCCC có lúc bị lơ là.

Qua nhiều đợt kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã ghi nhận một số cơ sở (chủ yếu là công ty sản xuất) còn hàng hóa tồn đọng tại công ty nhiều, chưa sắp xếp gọn gàng. Do thiếu kinh phí nên việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, trang thiết bị phương tiện PCCC tại các công ty này còn bị hạn chế.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết thêm, trong 5 tháng đầu năm 2022, lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh đã kiểm tra hơn 4.500 lượt cơ sở.

Qua đó, phát hiện và lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính 245 trường hợp là các cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC, tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng; đồng thời, nhắc nhở, kiến nghị các cơ sở sớm chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại đã được lực lượng chức năng chỉ ra.

Trước đó, chiều 24/5, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn.

Lãnh đạo Công an tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến điểm cầu Đồng Nai.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu công an các tỉnh, thành tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện quy định của UBND cấp tỉnh về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ, nhân rộng các mô hình, phong trào an toàn PCCC tại khu dân cư.

Định kỳ, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho công an cấp huyện, cấp xã; bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật chữa cháy đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Các sở, ngành, đại diện địa phương dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đồng Nai.

Theo thống kê, trong giai đoạn thực hiện cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn (từ 15/4/2021 đến 15/4/2022), toàn quốc xảy ra hơn 1,9 ngàn vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 826 tỷ đồng.

Trong đó, xảy ra 850 vụ cháy nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, làm chết 70 người, bị thương 52 người, thiệt hại về tài sản 73,83 tỷ đồng.

So với một năm trước khi triển khai cao điểm (15/4/2020 đến 15/4/2021), số vụ cháy xảy ra tại loại hình này giảm 277 vụ, số người chết tăng 6 người, số người bị thương giảm 28 người, thiệt hại về tài sản tăng 18,58 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn thực hiện cao điểm, công an 63 địa phương đã kiểm tra hơn 23,3 triệu hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Qua đó, phát hiện hơn 12,3 triệu thiếu sót, hơn 34,7 ngàn vi phạm, xử lý hơn 2,7 ngàn trường hợp với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.

Anh Trọng