Môi trường

Đồng Nai: Trả lại sự bình yên cho hồ Trị An

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai kiểm tra, xử lý trên 2.000 lượt ghe, thu hồi 2,7 ngàn mét lưới và thiết bị dùng đánh bắt thủy sản trái phép.

Thời gian qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt Khu bảo tồn, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai) đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ hồ Trị An và mang lại nhiều kết quả tích cực.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại hồ Trị An.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hạt kiểm lâm khu bảo tồn đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra trên 2,6 ngàn lượt ghe, phát hiện và tháo gỡ, phá bỏ tại hiện trường 340m lưới các loại, hơn 2,3 ngàn mét lưới lớn, 9 dàn lưới chài điện, 31 cái máy xung kích điện và bình ắc quy.

Tuy nhiên, việc tuần tra, canh giữ hồ Trị An gặp nhiều áp lực, khó khăn khi một số đối tượng manh động và sẵn sàng chống trả, gây thương tích cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Các ghe thuyền dùng đánh bắt thuỷ sản trái phép bị cơ quan chức năng thu giữ.

Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn trong thời gian qua thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra khép kín lòng hồ Trị An.

Bên cạnh tuần tra độc lập, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương liên quan cùng tổ chức các đợt truy quét nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ.

Ngoài ra, Khu bảo tồn còn chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giải thích các quy định pháp luật liên quan đến các hoạt động trên hồ Trị An cho bà con ngư dân nắm và chấp hành cho đúng.

“Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, các hành vi vi phạm trên lòng hồ đã được kiểm soát và xử lý nghiêm, tài nguyên thủy sản đang dần được phục hồi, tình hình an ninh chính trị trên hồ Trị An được duy trì đảm bảo tốt”, ông Hảo chia sẻ.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản hồ Trị An hiện gặp không ít áp lực. Bởi diện tích lòng hồ rộng lớn (trên 32.000ha) và có nhiều eo, ngách nên việc kiểm soát các trường hợp vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng người dân sử dụng các loại ngư cụ đã bị cấm để khai thác thủy sản vẫn còn xảy ra. Đặc biệt là một số đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống đối khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên lòng hồ.

Các loại ngư cụ dùng đánh bắt thuỷ sản bị thu giữ tại hồ Trị An.

Vụ việc mới nhất vào ngày 29/6, 2 kiểm lâm viên: Nguyễn Văn Lưu và Nguyễn Thanh Lương của Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đã bị một nhóm đối tượng đánh bằng mái chèo, dùng dây trói siết cổ khi 2 anh đang tiến hành thu gom số ngư cụ cấm để đo, đếm, xác minh đối tượng thực hiện hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản trên hồ Trị An tại khu vực Vàm Sa Mách (thuộc ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán).

Khi nhận được thông tin, lãnh đạo Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn đã thông báo và đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc hỗ trợ xử lý vụ việc theo quy định. Riêng các cá nhân có liên quan đã nhận thức rõ, việc làm của mình là vi phạm pháp luật và đã chủ động xin lỗi 2 kiểm lâm viên bị đánh.

Thời gian tới, Khu bảo tồn tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các đợt truy quét liên ngành để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trên hồ Trị An.

Đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững hồ Trị An.

“Chúng tôi rất mong UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương liên quan tiếp tục hỗ trợ Khu bảo tồn trong công tác quản lý, bảo vệ hồ Trị An và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đặc biệt là xử lý nghiêm các vụ việc chống người thi hành công vụ. Có như vậy, công tác quản lý, bảo vệ hồ Trị An mới mang lại hiệu quả cao”, ông Hảo kiến nghị.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Văn Gọi cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng “lâm tặc” hoạt động manh động, liều lĩnh và có những biểu hiện chống đối người thi hành công vụ ngày càng phổ biến.

Không chỉ ở Khu bảo tồn, các đơn vị chủ rừng khác trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải tình trạng trên, gây thương tích cho nhiều kiểm lâm viên và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Cụ thể, tháng 3/2023, một nhóm đối tượng đã xâm nhập vào rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên (huyên Tân Phú) đế săn bắt, vận chuyển trái phép động vật rừng.

Khi lực lượng kiểm lâm phát hiện thì nhóm đối tượng này tỏ ra manh động và sử dụng hung khí chống trả gây thương tích cho 3 kiểm lâm viên để tẩu thoát.

Lực lượng kiểm Lâm tuần tra thường xuyên tại khu vực hồ Trị An.

Trước thực trạng manh động của các đối tượng, Sở NN&PTNT đã đưa ra một số định hướng trong thời gian tới.

Trong đó, các vụ việc vi phạm trên đều lập hồ sơ và chuyển cho các cơ quan chức năng đề nghị xử lý nghiêm để tạo sự răn đe, giáo dục chung; cần tiếp tục quan tâm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ tốt để lực lượng làm nhiệm vụ được an toàn. 

"Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, nhân viên lâm nghiệp trong thời gian qua đã bám trụ giữ rừng vì lòng yêu nghề chứ chế độ, chính sách chưa đủ để thu hút họ.

Do vậy, mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm và có nhiều chính sách chăm lo hơn nữa để lực lượng giữ rừng yên tâm làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai phương án đầu tư những trang thiết bị công nghệ hiện đại nhằm hỗ trợ trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhằm giảm bớt phần vất vả cho anh em", ông Lê Văn Gọi chia sẻ.