Dân sinh

Đồng Nai: Phát hiện hơn 150 voọc chà vá chân đen tại Núi Chứa Chan

Núi Chứa Chan cách Tp.HCM khoảng 110 km, cao 837 m so với mực nước biển. Đây là ngọn núi cao thứ hai ở Đông Nam Bộ, sau núi Bà Đen (986 m, Tây Ninh).

Qua nghiên cứu khảo sát, lực lượng kiểm lâm Đồng Nai phát hiện bảy đàn voọc chà vá chân đen từ 159 đến 192 con trên núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc.

Kết quả trên được UBND tỉnh Đồng Nai công bố ngày 27/5, sau khi kết thúc dự án điều tra, giám sát loài chà vá chân đen ở núi Chứa Chan do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì.

Năm 2017 lực lượng kiểm lâm cũng phát hiện Voọc chà vá chân đen ở khu vực núi Chứa Chan

5 năm trước, lực lượng kiểm lâm phát hiện ba đàn voọc ở độ cao khoảng 600 m trên núi Chứa Chan liền tiến hành thu thập, điều tra. Trong năm 2020-2021, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức khảo sát thực địa và ghi hình, xác định quần thể bảy đàn voọc chà vá chân đen với hàng trăm con.

Các con voọc phát triển khá tốt, trong thời kỳ gia tăng số lượng. Mỗi đàn gồm cả con đực và cái đã trưởng thành, voọc nhỏ và con mới sinh. Quá trình nghiên cứu ghi nhận hiện tượng tách, nhập đàn.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng xác định 154 loài thực vật là thức ăn của chà vá chân đen, chiếm 48,7% tổng số loài thực vật trong khu vực điều tra. Họ không ghi nhận voọc ăn vỏ cây, động vật và côn trùng...

Các ngành chức năng Đồng Nai đã đề xuất một số giải pháp cấp bách để bảo tồn đàn voọc quý hiếm này. 

Voọc chà vá chân đen là loài linh trưởng thuộc nhóm nguy cấp (động vật nguy cấp quý hiếm nhóm 1B) phân bố nhiều ở các cánh rừng Việt Nam.

Phi Long - Anh Trọng