Dân sinh

Đồng Nai: Nan giải tình trạng ùn tắc giao thông

Tình trạng ùn tắc, kẹt xe vẫn xảy ra và có xu hướng ngày càng phức tạp, đặc biệt ở một số nút giao, ngã rẽ trên QL 51, QL 1 và nhiều tuyến đường nội ô thành phố.

 

Những năm qua, Tp.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, hạn chế tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông, từ việc mở thêm các hầm chui, cầu vượt; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường đến quy định cấm xe tải lưu thông vào một số tuyến đường nội ô trong giờ cao điểm.

Nếu như những năm trước đây, tình trạng kẹt xe thường chỉ xảy ra vào giờ cao điểm sáng hoặc chiều do lượng người đổ xô ra đường để đi làm (hoặc tan ca) từ 31 khu công nghiệp tăng cao thì thời gian gần đây, tình trạng kẹt xe có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu ở các nút giao, ngã rẽ có xe vượt đèn đỏ hoặc có sự cố như: tai nạn giao thông, xe chết máy, đường ngập nước do trời mưa… Những lúc như vậy, các xe lưu thông rất lộn xộn, lấn làn, lấn tuyến khiến dòng xe kẹt cứng cho đến khi lực lượng chức năng có mặt thì tuyến đường mới được khơi thông.

Trong khi chờ giải pháp hạn chế tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường qua Tp.Biên Hòa được triển khai, công tác chốt trực, điều tiết giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông vào giờ cao điểm rất quan trọng. Vì tâm lý chung, khi thấy lực lượng chức năng, các xe lưu thông không dám vượt đèn đỏ, cũng như không dám chạy lấn làn, lấn tuyến. Một khi ý thức chấp hành các quy định về giao thông chưa tốt thì bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, việc xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm đóng vai trò quan trọng, đủ sức răn đe.

Mặt khác, cơ quan chức năng của Thành phố này cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông để tăng sự chủ động trong phòng ngừa kẹt xe. Cụ thể như, tiếp tục rà soát cho lắp đặt nhiều camera giám sát giao thông ở những nút giao thường xảy ra kẹt xe để kịp thời cảnh báo hoặc can thiệp khi có ùn tắc giao thông; tăng cường phạt nguội đối với các trường hợp vi phạm. Về phía công an các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, gây cản trở, ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.

Giải pháp quan trọng nhất trong việc hạn chế ùn tắc giao thông của Tp.Biên Hòa là mỗi cá nhân khi di chuyển trên đường luôn phải tuân thủ pháp luật giao thông, ngay cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông; có lối ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Có như vậy, dù đường hẹp, xe đông vẫn có thể lưu thông trật tự, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông kéo dài, giúp việc đi lại của người dân, doanh nghiệp thuận lợi và dễ dàng hơn. 

Nhiều tuyến đường, nút giao thông không những không giảm kẹt xe mà một số nơi trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, khi cơ sở hạ tầng giao thông vẫn còn kém thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông khi lưu thông trên đường.

Từ lâu, khi xảy ra ùn tắc giao thông, tình trạng các xe ô tô lấn sang hoặc đi vào làn của xe 2 bánh của một bộ phận lái xe đã bị cộng đồng lên án gay gắt. 

Tuyến QL 51 đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến Cổng 11 (Tp.Biên Hòa) và ngược lại dù có phân làn xe ô tô, xe 2 bánh riêng biệt nhưng ô tô vẫn chen chúc đi vào làn xe 2 bánh gây cản trở giao thông. Chỉ cần trên đường ùn tắc là ô tô cá nhân, thậm chí xe tải, xe ben cũng “chui” vào làn xe 2 bánh. Từ đó, dòng xe máy bị chặn lại phía sau, đường đã chật chội lại trở nên kẹt xe nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt tuyến đường Bùi Văn Hoà, nối liền từ vòng xoay Tam Hiệp (QL1) đến Cổng 11 (QL51), việc ách tắc xảy ra thường xuyên. Không những ách tắc vào khung giờ cao điểm mà có những ngày ách tắc kéo dài nhiều giờ liền trong ngày, chưa kể ách tắc vì đường ngập sâu sau cơn mưa vì hệ thống thoát nước kém.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Trung tá Hoàng Văn Hải, cán bộ điều tiết giao thông tại nút giao khu vực Công viên 30/4 (Quốc lộ 1 giao với đường Nguyễn Ái Quốc) cho biết, một số người dân nóng lòng thoát ra đám kẹt xe nên vượt đèn đỏ, xe chạy túa khắp nơi khiến dòng xe tiến thoái đều không được. 

“Nút giao thông này phức tạp khi dòng xe trên quốc lộ 1 vốn đã đông, lại thêm xe từ khu vực ngã ba Phát Triển vào, ra mỗi ngày rất lớn. Khi xảy ra ùn tắc, lực lượng chức năng phải căng mình điều tiết, phân luồng trong nhiều giờ đồng hồ”, Trung tá Hải nói.

Thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm giải quyết kẹt xe như: triển khai xây dựng các cầu vượt, hầm chui, mở rộng tiểu đảo, điều chỉnh lại hệ thống đèn tín hiệu giao thông…, nhưng đến một lúc nào đó, các giải pháp này tiếp tục quá tải trước nhu cầu đi lại của người dân hiện nay. Vấn nạn kẹt xe có xu hướng tăng thêm là do nhiều người chuyển từ xe máy sang ô tô. Điều đó làm lưu lượng, thời gian ô tô trên đường gia tăng trong khi hạ tầng giao thông không phát triển kịp.

Trong khi đó, nhiều dự án nâng cấp, mở rộng đường, thậm chí mở mới thêm một số tuyến đường cho khu vực nội ô Tp.Biên Hòa bị tắc đã ảnh hưởng không nhỏ đến giải quyết vấn đề đi lại, giải tỏa áp lực giao thông. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng kẹt xe cần một giải pháp đồng bộ, mà trong đó giải pháp căn cơ nhất vẫn là phát triển hệ thống giao thông công cộng nhanh chóng, tiện lợi và hiện đại để giảm dần phương tiện cá nhân lưu thông trên đường.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) Đồng Nai, tỉnh đã triển khai 2 tuyến xe buýt số 1 và 2 nhằm phục vụ vận chuyển học sinh, công nhân trong nội ô Tp.Biên Hòa, qua đó phần nào giảm bớt xe cá nhân. Nhìn nhận khách quan thì một số tuyến đường trên địa bàn mặt đường nhỏ hẹp nên để mở các tuyến xe buýt tại đây cần phải tính toán hợp lý, khoa học.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Dương Mạnh Hưng, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, sắp tới đây việc bố trí lượng xe hợp lý, giảm thời gian chờ đợi, thêm tiện nghi, nâng chất lượng phục vụ sẽ thu hút người dân đi xe buýt, hạn chế xe máy lưu thông trên đường phố. Ngoài ra, người dân cũng cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật giao thông, nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông sẽ tránh được tình trạng ùn tắc, sự cố giao thông trên đường.