Văn hoá

Đồng Nai: Hội thảo khoa học bảo tồn gốm Biên Hòa – Đồng Nai

Chào mừng 325 năm Biên Hòa – Đồng Nai, UBND Tp.Biên Hòa phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế du lịch tổ chức Hội thảo khoa học bảo tồn gốm Biên Hòa.

Sáng 22/12, tại Khách sạn Central Park, UBND Tp.Biên Hòa phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế du lịch tổ chức buổi Hội thảo khoa học về công tác bảo tồn gốm Biên Hòa – Đồng Nai.

Tham dự hội thảo, ngoài đại diện UBND tỉnh Đồng Nai, các sở, ban ngành và lãnh đạo Tp.Biên Hòa còn có nhiều nhà khoa học, các chủ doanh nghiệp sản xuất gốm, cũng như những gia đình có truyền thống gắn bó với nghề gốm.

Các đại biểu tại buổi hội thảo. (Ảnh: Thanh Hải).

Mở đầu buổi hội thảo, trong phần phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND Tp.Biên Hòa bày tỏ: “Biên Hòa là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội của Đồng Nai từ xưa đến nay. Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của Đồng Nai, Biên Hòa luôn có một vị trí quan trọng. Các cộng đồng cư dân qua các thời kỳ đã tạo nên bức tranh đa sắc màu về văn hóa và để lại những di sản văn hóa đa dạng. Có nhiều yếu tố tác động để Tp.Biên Hòa hướng đến phát triển bền vững, đô thị thông minh và đáng sống…”.

Ông Thanh cũng mong muốn, với sự đóng góp, xây dựng của các nhà nghiên cứu tại buổi hội thảo, sẽ góp phần tạo nên những bước đột phá mới trong công tác xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Điều đó sẽ giúp cho Tp.Biên Hòa ngày càng phát triển lớn mạnh hơn về mọi mặt. Đặc biệt là công tác bảo tồn, gắn liền với phát triển du lịch qua những chương trình hội thảo, tọa đàm ở nhiều lĩnh vực.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND Tp.Biên Hòa, Trưởng Ban tổ chức hội thảo đang giới thiệu về sản phẩm gốm. (Ảnh: Thanh Hải).

Đại diện cho lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận công sức đóng góp của các nhà nghiên cứu là Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ đã dành cho Tp.Biên Hòa – Đồng Nai những tình cảm cao quý.

Điều đó được thể hiện bằng 24 tham luận, mỗi một tham luận là một kho tàng chứa những tư liệu quý giá, gợi mở ra những hướng đi mới đối với công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản gắn liền với phát triển du lịch.

Gốm và thiếu nữ tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Hải).

Tại buổi Hội thảo, đại diện cho các nhà nghiên cứu, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền đã khái quát những đặc tính nổi bật của nghề sản xuất gốm Biên Hòa.

Gốm Biên Hòa hay gốm Đồng Nai là một phần trong trong quá trình hình thành và phát triển nghề gốm ở Sài Gòn (này là Tp.HCM), Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) cách đây hàng trăm năm.

Hiện nay, ngoài gốm Biên Hòa thì gốm Lái Thiêu, gốm Tân Phước Khánh, gốm Minh Long và nhiều lò gốm thủ công vẫn sử dụng kỹ thuật tạo hình đặc trưng của gốm Nam bộ là cây mai.

Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền cũng cho biết thêm, qua công tác nghiên cứu, khảo cổ đã chứng minh được tính đặc trưng của gốm Biên Hòa là đáp ứng mọi nhu cầu của đời sống người dân.

Có đủ chủng loại sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp, đó chính là một trong những phương cách giúp nghề gốm Biên Hòa nói riêng, gốm Nam bộ nói chung được giữ gìn, tôn tạo và phát triển đến bây giờ.

Cũng tại buổi hội thảo, nữ Giáo sư, Tiến sĩ cũng bày tỏ mong muốn Tp.Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung, cần có giải pháp để xây dựng một không gian văn hóa với sự chủ đạo của các sản phẩm có tính truyền thống về sản phẩm là gốm. 

Một bạn trẻ với sản phẩm gốm nổi tiếng của Đồng Nai. (Ảnh: Thanh Hải).

Trao đổi nhanh với phóng viên Người Đưa Tin bên lề hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND Tp.Biên Hòa cho biết: Năm 2023 là cột mốc quan trọng, đánh dấu 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Trong kho tàng lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương, nghề gốm được xem là một trong những “báu vật” cần được gìn giữ và bảo tồn, nhằm phát huy và lan tỏa các giá trị độc đáo của di sản.

Một trong những cách thức có thể tôn vinh và nâng tầm giá trị sử dụng, giá trị biểu tượng của gốm Đồng Nai là việc tích hợp khai thác các giá trị của nghề gốm gắn liền với thực hành du lịch.

Và trong thời gian tới, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, trong đó có một số ngành, nghề thủ công truyền thống sẽ được tôn tạo và phát triển lớn hơn.