Sự kiện

Đồng Nai “gồng mình” chống dịch, giá lợn hơi còn 32.000 đồng/kg

Tính đến ngày 13/5, đã có ba huyện ở tỉnh Đồng Nai xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Giá lợn hơi tại đây dao động từ 32.000 đồng/kg đến 35.000 đồng/kg, thấp hơn mức trung bình.

Đến thời điểm này, khi mà Đồng Nai đã có 3 huyện xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi, thì ngành chức năng cũng đang căng mình thực hiện các phương án phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, để người chăn nuôi không phải chịu thiệt thòi giữa bão dịch nên các địa phương cũng đang gấp rút hoàn thành các thủ tục, nhằm nhanh chóng thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo quy định. Đó cũng là những động thái giúp người chăn nuôi bình tâm, đỡ lo lắng trước bão dịch.

Bất chấp các nỗ lực phòng chống dịch, Đồng Nai lại xuất hiện thêm ổ dịch mới ở Bình Ý, Tân Bình, Vĩnh Cửu. Ổ dịch này cũng xuất hiện từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và ngành chức năng hiện cũng ra sức dập ổ dịch này.

Khoanh vùng xử lý rốt ráo các ổ dịch.

Trong ngày 13/5 giá lợn hơi tại các tỉnh thuộc miền Nam dao động từ 32.000 đồng/kg đến 43.000 đồng/kg, mặc dù tuần trước khu vực này giảm khá nhiều nhưng vẫn đang là vùng có mức giá cao nhất cả nước. Vẫn có một số tỉnh thu mua heo hơi giá trên 40.000 đồng/kg như: Bình Phước, Long An, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau,... đa phần các địa phương này đều có mức giá từ 40.000 đồng/kg đến 43.000 đồng/kg.

Riêng tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, hiện đang dao động từ 32.000 đồng/kg đến 35.000 đồng/kg, mức giá này được nhận định là tương đối thấp.  

Và trong bão dịch, những ổ dịch khởi điểm đầu tiên tại Trảng Bom, Nhơn Trạch đến thời điểm này được xử lý rốt ráo, “sạch”. Người dân cũng phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng để thực hiện việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

Không cho người lạ, nguồn lợn lạ vào các trang trại.

Cụ thể, tại hộ ông Nguyễn Văn Đằng nơi có đàn lợn bị dịch tả heo châu Phi ở xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) với tổng đàn 268 con việc triển khai dập dịch diễn ra nhanh chóng. Ông Đằng cho biết, khi lợn chết, ông đã nhanh chóng báo cho ngành chức năng để họ đến kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm.

Khi kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi, đoàn liên ngành gồm có sự tham gia từ cấp tỉnh đến huyện, xã đã khẩn trương về tận hộ chăn nuôi tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, tiêu độc, khử trùng khu chuồng trại, nhà kho, dụng cụ chăn nuôi và khu vực xung quanh ổ dịch.

Bên cạnh đó việc chôn, tiêu hủy heo dịch cũng được đơn vị chức năng làm rất kỹ lưỡng. Gia đình ông Đằng cũng được hỗ trợ vôi bột, thuốc sát trùng miễn phí để thực hiện việc sát trùng, tiêu độc hằng ngày.

Phun xịt khử trùng kỹ lưỡng.

Ngoài ông Đằng ra, thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác có dịch cũng được thực hiện việc tiêu độc khử trùng và theo dõi tình hình cụ thể.

Bên cạnh đó, để hạn chế dịch lây lan, tỉnh Đồng Nai và các huyện đã lập thêm 3 chốt kiểm dịch tạm thời để chốt chặn, kiểm tra trên các tuyến đường đi vào vùng dịch. Còn tại vùng dịch, cán bộ xã phải thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch; lập các trạm, chốt kiểm dịch; hướng dẫn việc đi lại, cấm người không có nhiệm vụ vào nơi có ổ dịch.

Theo chi cục Chăn nuôi Thú y Đồng Nai, ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi, toàn tỉnh đã lập 23 trạm, chốt kiểm dịch, nhằm ngăn chặn, kiểm soát không để dịch tả heo châu Phi lây lan trên địa bàn tỉnh.

Về vấn đề hỗ trợ tiền cho các hộ có heo bị tiêu hủy thì theo quy định, heo bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ tới 38.000 đồng/kg và thời gian giải quyết hồ sơ chậm nhất 15 ngày. Tuy nhiên để linh động, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định hỗ trợ đối với trường hợp hộ chăn nuôi có heo bị dịch tả châu Phi phải tiêu hủy.

Cụ thể đối với heo con theo mẹ sẽ có mức hỗ trợ 300 ngàn đồng/con; 500 ngàn đồng/con đối với heo con dưới 2 tháng tuổi; 2 triệu đồng/con đối với heo thịt từ 2-4 tháng tuổi. Đối với heo thịt, heo giống, hậu bị trên 4 tháng tuổi được hỗ trợ 3 triệu đồng/con; heo nái, heo đực giống đang khai thác được hỗ trợ tối đa với mức 4,5 triệu đồng/con.