Sự kiện

Đồng Nai ghi nhận thêm 2 ca nhiễm Covid-19, cách ly gần 1.300 người

Đến 4/8, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 3 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, 1 ca ở đợt dịch trước đã chữa khỏi, 2 ca ở giai đoạn hiện nay, đang được theo dõi sức khỏe, điều trị ở bệnh viện Phổi.

Cách ly nhiều người

Chiều 4/8, tỉnh Đồng Nai tiếp tục có buổi làm việc với đoàn công tác của bộ Y tế, liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và một số dịch bệnh khác.

Trong đợt dịch lần này, Đồng Nai ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, ca đầu tiên là bà P.T.T.Ng., bệnh nhân Covid-19 số 595 (dược sĩ), ngụ đường Hồ Văn Đại, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa.

Tuyệt đối đảm bảo an toàn, phòng chống dịch tích cực.

Ca thứ hai là bác sĩ L.Đ.N., bệnh nhân Covid-19 số 669 (công tác tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, SN 1970, chồng của bệnh nhân 595).

Hiện tại, bệnh nhân số 595 và bệnh nhân 669 được chuyển vào bệnh viện Phổi Đồng Nai cách ly, điều trị. Qua theo dõi, sức khỏe cả hai người này ổn định, không sốt, không ho,…

Hiện, Đồng Nai có 1.252 người phải cách ly tập trung, 7.674 người cách ly tại nhà, 2504 người cần phải theo dõi sức khỏe tại nhà.

Có 62 ca thuộc diện nghi ngờ, trong đó 33 ca đã qua 14 ngày cách ly, 29 ca đang tiếp tục được theo dõi.

Để thực hiện tốt công tác cách ly chống dịch, tỉnh Đồng Nai đã thành lập, đưa vào hoạt động 3 khu cách ly.

Nếu tình hình dịch bệnh quá căng thẳng, tỉnh Đồng Nai sẽ đề nghị mỗi huyện, thành phố có các khu cách ly với sức chứa từ 50 - 100 người.

Liên quan đến công tác điều trị, ngành y tế Đồng Nai cũng chú trọng nâng cấp, chuẩn bị trang thiết bị y tế, chỉ đạo các bệnh viện tăng cường, bổ sung thêm nhân lực, máy móc,…chuyển công năng của bệnh viện Phổi thành bệnh viện điều trị Covid-19 với quy mô 120 giường, bổ sung máy thở và nhiều trang thiết bị phục vụ hồi sức cấp cứu.

Tại buổi làm việc, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc sở Y tế Đồng Nai đặt câu hỏi về vấn đề, trước khi có kết quả xác định dương tính với Covid-19, những bệnh nhân này cho kết quả âm tính, vậy thời điểm những bệnh nhân này đang âm tính với Covid-19, có nguy cơ lây lan ra cộng đồng hay không?

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Thượng - đoàn công tác của bộ Y tế cho biết, thông thường những ca nhiễm Covid-19 có nguy cơ lây lan trong cộng đồng trước 3 ngày tính từ thời gian khởi phát bệnh và cho kết quả dương tính với virus Covid-19.

Bộ Y tế làm việc với tỉnh Đồng Nai.

Do đó, những người tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 trước khoảng 3 đến 5 ngày, thuộc nhóm những người có nguy cơ thấp.

Những người tiếp xúc với người nhiễm từ trước 3 ngày là những người thuộc nhóm nguy cơ cao, cần được cách ly, theo dõi sức khỏe tại những khu cách ly tập trung.

Phải tuyệt đối tăng cường chống dịch

Tại buổi làm việc, ông Ngô Đức Tuấn, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đồng Nai băn khoăn, mặc dù ngay sau khi phát hiện ca bệnh, Bệnh viện đã tổ chức cách ly, khoanh vùng, phong tỏa khu vực làm việc của bác sĩ nghi nhiễm Covid-19 và thực hiện cách ly 14 ngày.

Tuy nhiên, tâm lý của người dân, đặc biệt là những bệnh nhân đến khám tại bệnh viện rất hoang mang, lo lắng. Vì vậy, nguy cơ Bệnh viện sẽ không có bệnh nhân trong vòng 14 ngày tới.

Do Bệnh viện là đơn vị tự thu tự chi, nếu trong thời gian dài không có bệnh nhân, sẽ không đảm bảo thu nhập cũng như cuộc sống của cán bộ, công nhân viên chức Bệnh viện.

Xét nghiệm sàng lọc bệnh nhân Covid-19.

Trước vấn đề này, bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, khi phát hiện ca bệnh có nguy cơ lây lan trong cộng đồng ở nơi nào thì bắt buộc phải thực hiện các biện pháp phòng chống triệt để, không cho dịch bệnh lây lan dù có thiệt hại tới nền kinh tế.

Do đó, đối với bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, những nhân viên y tế nào cần cách ly phải thực hiện cách ly, khu vực nào cần phong tỏa phải phong tỏa để đảm bảo an toàn.

Trường hợp bệnh viện hoạt động không đủ kinh phí, lãnh đạo bệnh viện làm báo cáo gửi UBND tỉnh. UBND sẽ lên phương án hỗ trợ để phòng, chống dịch bệnh tại bệnh viện.

Ông Thượng đánh giá cao sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo chủ động, kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đối với công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngành Y tế Đồng Nai đã khẩn trương vào cuộc để cố gắng khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng.

Song song đó, ông Thượng đề nghị tỉnh Đồng Nai cần nâng cao cảnh giác, kịp thời nắm bắt nguy cơ có thể xảy ra để kiểm soát dịch bệnh; đảm bảo an toàn cho người dân, nhân viên y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó, cần thực hiện việc giãn cách bệnh nhân trong bệnh viện, chú ý đến những người cao tuổi, người mắc bệnh nền, từ Đà Nẵng trở về. Đặc biệt, cần quan tâm đến hệ thống giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, tránh xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.