Sức khỏe

Đồng Nai: Cảnh báo dịch sốt xuất huyết sau những cơn mưa sớm

Hiện đã xuất hiện rải rác những ca sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Chỉ trong một tuần, Bệnh viện Nhi Đồng Nai tiếp nhận và điều trị 24 ca nhiễm bệnh.

Mới đầu tháng Tư, nhưng liên tiếp những cơn mưa lớn báo hiệu mùa mưa năm nay về sớm hơn mọi năm. Mùa mưa đến sớm, kéo theo sự sinh trưởng của loài muỗi vằn cùng với đó là khả năng gây ra bệnh sốt xuất huyết trên diện rộng.

Sáng ngày 5/4, trao đổi nhanh với Người Đưa Tin, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Nai cho biết, trong tuần vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng Nai có tiếp nhận và điều trị 24 ca nhiễm sốt xuất huyết. Trong đó, có 3 ca nặng; đặc biệt có một ca vừa bị sốt xuất huyết vừa nhiễm Covid-19.

Sau khi nhập viện, cả 3 ca nặng được chuyển vào Khoa Hồi sức Tích cực chống độc để được theo dõi và điều trị. Hiện, cả 3 ca nặng đã khỏe. Tất cả 24 ca nhiễm sốt xuất huyết trong tuần qua đều ổn.

Một bệnh nhân nhi bị sốt xuất huyết đang được chăm sóc.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, hiện tại với số ca sốt xuất huyết như trên là không nhiều, nhưng cũng có dấu hiệu bắt đầu tăng dần so với trước đây. Nên người dân cần quan tâm dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở sạch sẽ, thông thoáng để ngăn ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai) cho biết, hiện tại, ngành y tế tỉnh vẫn làm tốt công tác kiểm soát bệnh tật trên địa bàn, nếu phát hiện có sốt xuất huyết thì sẽ xử lý ổ dịch và dập tắt ngay từ đầu.

Còn hàng năm vẫn có những đợt diệt côn trùng gây ra các loại bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, đặc biệt năm nay khi mùa mưa có dấu hiệu về sớm, nên sẽ đẩy nhanh kế hoạch thực hiện sớm hơn mọi năm.

Để ngăn chặn bệnh dịch sốt xuất huyết có thể xảy ra, nhất là trong thời điểm dịch bệnh do Covid-19 kéo dài, người dân cần phối hợp tốt với cơ quan chính quyền địa phương, ngành y tế tỉnh trong công tác tuyên truyền và phòng chống dịch bệnh.

Muỗi vằn truyền nhiễm bệnh sốt xuất huyết.

Theo bác sĩ Bạch Thái Bình, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt; loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy;

Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Người dân có thể phòng chống muỗi đốt bằng cách: mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

 Thanh Hải