Thế giới

Đồng minh lâu năm của Nga nói về điều thúc đẩy BRICS mở rộng

Các nhà lãnh đạo BRICS từ Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã thảo luận về xung đột Nga-Ukraine, phi đô la hóa và mở rộng khối.

Sự mở rộng của BRICS sẽ là một thời điểm lịch sử và khối này sẽ đạt được vị thế của một thế lực toàn cầu muốn trở thành một sự thay thế cho tập thể phương Tây, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói với các phóng viên trong chuyến thăm Athens (Hy lạp) hôm 22/8 – ngày Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 khai mạc ở Johannesburg, Nam Phi.

“Tôi cho rằng sẽ là một bước đi lịch sử đối với họ nếu họ quyết định mở rộng BRICS. Tôi không chắc liệu họ có thể đưa ra quyết định đó ngay hôm nay hay không, nhưng nếu họ làm vậy, đó chắc chắn sẽ là một quyết định lịch sử và một quyết định quan trọng”, ông Vucic nói, theo một chương trình phát sóng của hãng thông tấn nhà nước Serbia Tanjug.

“Sau nhiều thập kỷ, họ đang trở thành một thế lực toàn cầu đang cố gắng tạo ra một giải pháp thay thế cho tập thể phương Tây. Như vậy, trò chơi địa chính trị ngày càng trở nên thú vị hơn”, nhà lãnh đạo của Serbia – đồng minh lâu năm của Nga – kết luận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu qua liên kết video, trong Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2023 ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/8/2023. Ảnh: CNN

Ông Vucic đã từng chia sẻ rằng trong tương lai, Serbia có thể phải đối mặt với sự lựa chọn giữa gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và nhóm BRICS khi triển vọng về “lộ trình châu Âu” đối với quốc gia vùng Balkan vẫn mờ mịt.

Trong lúc này, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS vẫn đang diễn ra tại Johannesburg. Các nhà lãnh đạo từ Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã gặp nhau hôm 23/8 trong phiên họp toàn thể, nơi họ thảo luận về các vấn đề quan trọng, bao gồm xung đột Nga-Ukraine, phi đô la hóa và mở rộng khối.

Xung đột Nga-Ukraine

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhà lãnh đạo Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin (tham dự trực tuyến) đã lặp lại sự đồng thuận chung nhằm mang lại một kết thúc hòa bình và công bằng cho cuộc chiến ở Ukraine.

“Ngày càng có nhiều quốc gia BRICS liên hệ trực tiếp với Moscow và Kiev để cùng tham gia những nỗ lực có thể góp phần hiệu quả vào việc ngừng bắn ngay lập tức cũng như hòa bình công bằng và lâu dài”, ông Lula da Silva nói.

Trung Quốc và Nam Phi, những nước nhấn mạnh vai trò của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) trong việc chấm dứt cuộc chiến một cách hòa bình, cũng có chung quan điểm.

“Đối thoại, đàm phán ngoại giao và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc là cần thiết để giải quyết các xung đột một cách hòa bình và công bằng”, ông Ramaphosa cho biết, đồng thời nhắc lại rằng hòa bình và ổn định toàn cầu là “ưu tiên” đối với Nam Phi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự phiên họp toàn thể trong Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2023 tại Trung tâm Hội nghị Sandton ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/8/2023. Ảnh: Dawn

Trung Quốc vẫn giữ lập trường tương tự, nhưng ông Tập Cận Bình chỉ trích phương Tây đã làm trầm trọng thêm cuộc xung đột bằng cách gây ảnh hưởng quá mức lên UNSC.

“Các nước BRICS nên giữ hướng giải quyết hòa bình và tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế lớn”, ông Tập nói.

“Các quy tắc quốc tế phải được tất cả các quốc gia cùng nhau viết ra và tuân thủ dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc thay vì bị áp đặt bởi những kẻ có cơ bắp mạnh nhất hoặc có tiếng nói lớn nhất tập hợp lại và coi các quy tắc của riêng họ là chuẩn mực quốc tế”, nhà lãnh đạo Trung Quốc bổ sung.

Tổng thống Nga Putin ủng hộ quan điểm của những người đồng cấp BRICS về việc chấm dứt cuộc chiến thông qua đối thoại hòa bình.

Tuy nhiên, ông chỉ trích phương Tây đã “phát động một cuộc chiến tranh” trong khu vực để mở rộng “quyền bá chủ và chính sách của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa thực dân mới đang diễn ra”.

“Hành động của chúng tôi ở Ukraine chỉ được hướng dẫn bởi một điều, đó là chấm dứt cuộc chiến do phương Tây gây ra chống lại người dân ở Donbass”, ông Putin nói. “Chúng tôi cảm ơn các đồng nghiệp của mình trong BRICS đã tham gia tích cực vào nỗ lực chấm dứt tình trạng này và đảm bảo giải quyết công bằng xung đột bằng các biện pháp hòa bình”.

Mở rộng BRICS

Tại phiên họp toàn thể của hội nghị hôm 23/8, các nhà lãnh đạo BRICS kiên quyết thúc đẩy ý định mở rộng và tăng cường phát triển kinh tế của khối.

Ông Tập cho biết, BRICS cần “đẩy nhanh quá trình mở rộng để huy động sức mạnh và trí tuệ của chúng ta nhằm làm cho việc quản trị toàn cầu trở nên công bằng và bình đẳng hơn”.

Thủ tướng Modi của Ấn Độ cũng bày tỏ quan điểm tương tự, xóa bỏ những nghi ngờ trước đó rằng Ấn Độ do dự trong việc mở rộng khối. Ông Modi nói: “Ấn Độ hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng tư cách thành viên BRICS và chúng tôi hoan nghênh tiến trình này dựa trên sự đồng thuận”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự phiên họp toàn thể trong Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2023 tại Trung tâm Hội nghị Sandton ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/8/2023. Ảnh: The National News

Một thông báo liên quan đến việc mở rộng khối dự kiến sẽ sớm được đưa ra, ông Ramaphosa nói, cho biết rằng quyết định sẽ được đưa ra “theo trình tự thích hợp tại Hội nghị Thượng đỉnh”.

Trước đó, Đại sứ Nam Phi tại BRICS Anil Sooklal cho biết khoảng 30 quốc gia hiện quan tâm đến việc gia nhập khối này. Một số trong số họ đã nộp đơn đăng ký chính thức, bao gồm Algeria, Bangladesh, Ai Cập và Ethiopia. 

Tờ Business Standard của Ấn Độ dẫn nguồn tin cho biết, 5 quốc gia có thể được kết nạp vào BRICS tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Johannesburg là Argentina, Ai Cập, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê-út.

“Phi đô la hóa”

Các nhà lãnh đạo BRICS nhấn mạnh việc tăng cường thương mại trong khối bằng cách sử dụng đồng nội tệ như một phần của động thái hướng tới “phi đô la hóa” – giảm sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính toàn cầu.

Họ thúc đẩy những thành tựu của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do BRICS thành lập trong việc tài trợ cho nhiều dự án khác nhau, coi ngân hàng này là một phần không thể thiếu trong kế hoạch phát triển kinh tế của khối.

“Việc tạo ra một đơn vị được kiểm duyệt chung cho các giao dịch thương mại và đầu tư của các nước BRICS sẽ giúp chúng tôi tăng các lựa chọn thanh toán và giảm bớt các lỗ hổng”, Tổng thống Brazil Lula nói.

Nga, nước dự kiến sẽ đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh BRICS vào năm tới, cũng ủng hộ ý tưởng giao dịch bằng đồng nội tệ trong khối.

“Chúng tôi đang thực hiện thành công chiến lược đối tác kinh tế BRICS 2025, cụ thể là tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phi đô la hóa và chuyển đổi sang đồng nội tệ trong các hoạt động thanh toán chung của chúng tôi”, Tổng thống Nga Putin nói.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ tiếp tục kết thúc vào ngày 24/8. Các nhà lãnh đạo từ các quốc gia BRICS và các đại biểu được mời khác dự kiến sẽ đưa ra thông báo về các vấn đề chính liên quan đến sự mở rộng của khối và quan hệ thương mại trong những ngày tới.

Minh Đức (Theo TASS, Al Arabiya)