Xu hướng thị trường

Đồng hương của tỷ phú Trịnh Văn Quyết thôi nhiệm 2 chức vụ tại FLC

Trước khi từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT tập đoàn FLC, ông Nguyễn Thanh Bình đã thôi chức Phó Tổng Giám đốc tập đoàn sau chưa đầy 1 năm nhậm chức.

CTCP Tập đoàn FLC (mã CK: FLC) vừa cho biết, ngày 8/10, tập đoàn đã nhận được Đơn xin từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Thanh Bình vì lý do cá nhân.

Căn cứ quy định tại điều lệ công ty, ông Bình không còn tư cách thành viên HĐQT tập đoàn FLC từ ngày 8/10/2018.

Trước đó, ngày 13/8/2018, ông Bình cũng thôi chức Phó Tổng giám đốc FLC sau 10 tháng được bổ nhiệm.

Ông Nguyễn Thanh Bình (phải) nhận quyết định bổ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc FLC từ tháng 10/2017

Ông Nguyễn Thanh Bình sinh năm 1975, quê tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc – đồng hương với Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Theo giới thiệu tại báo cáo thường niên của FLC, ông Bình giữ nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Công ty Cổ phần FLC Quy Nhon Golf & Resort, Giám đốc Công ty TNHH FLC Sầm Sơn Golf & Resort.

Hiện tại, sau khi từ nhiệm cả hai vị trí chủ chốt tại tập đoàn FLC, ông Bình còn nắm giữ những chức vụ quan trọng khác tại một số công ty liên quan như Chủ tịch HĐQT CTCK Artex, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Người công bố thông tin, Người đại diện theo pháp luật của CTCP Liên doanh Đầu tư quốc tế KLF.

Mới đây, tập đoàn FLC cũng có biến động nhân sự cấp cao với việc bổ nhiệm bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm nhiệm chức Tổng Giám đốc tập đoàn thay thế cho ông Trần Quang Huy.

HĐQT tập đoàn FLC tính đến nay còn 6 người, do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT, ông Lê Thành Vinh làm Phó Chủ tịch thường trực. Các thành viên khác bao gồm bà Hương Trần Kiều Dung, ông Trần Quang Huy, ông Lưu Đức Quang và ông Lê Bá Nguyên.

Liên quan đến tập đoàn FLC, ngày mai (10/10) là thời gian dự kiến tập đoàn này chính thức cất cánh hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) – dự án lớn nhất của FLC trong năm nay.

Tuy vậy, chiều 8/10, trao đổi với báo giới, đại diện FLC xác nhận  chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ được dời sang cuối quý IV năm nay. "Lịch trình cất cánh có sự điều chỉnh ngắn so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh và mạng lưới bay theo định hướng từ trước của Bamboo Airways không bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh này", hãng bay của FLC thông tin.

Bamboo Airways lỡ hẹn kế hoạch cất cánh vào ngày 10/10/2018

Cho đến nay, Bamboo Airways vẫn chưa hoàn thành thủ tục cấp phép bay. Theo ông Đặng Tất Thắng - Tổng giám đốc Bamboo Airways, hãng đang trong quá trình hoàn thiện giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cuối cùng để hãng có thể chính thức tham gia vào thị trường sau khi Bamboo Airways được Chính phủ phê duyệt chủ trương hồi đầu tháng 7.

Để phục vụ cho việc cất cánh vào cuối năm nay, Bamboo Airways đã đề nghị Cục Hàng không xem xét cấp số đăng ký cho ba tàu bay (một chiếc A319 và hai chiếc A320) mà hãng dự định thuê từ công ty cho thuê tàu bay WWTAI AirOpco II DAC. Ba máy ba này đều có tuổi đời trên 10 năm. Bamboo Airways dự kiến tiếp nhận hai máy bay là A319, A320 vào tháng 11/2018 và một chiếc A320 vào tháng 1/2019.

Mới đây, FLC cũng thông qua chủ trương thuê 3 máy bay Airbus A320 NEO chưa qua sử dụng từ công ty Gy Aviation Lease 1813, Gy Aviation Lease 1814, Gy Aviation Lease 1815 hoặc bất kỳ bên thứ ba nào được ba đơn vị này chỉ định, với thời hạn 12 năm từ ngày ký hợp đồng.