Kinh tế vĩ mô

Đồng hành cùng doanh nghiệp chinh phục mục tiêu năm 2022

Trước bài toán khó thị trường xuất khẩu giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã không thụ động, mà tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất.

Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng 

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu quần áo thể thao sang các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… vào thời điểm này hàng năm, Công ty Cổ phần thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thuỷ, Nam Định (Pro Sports) đã kín đơn hàng hết quý 1, thậm chí cho quý 2 năm sau, nhưng thời điểm này năm nay, doanh nghiệp vẫn chật vật tìm đơn hàng, theo báo Tin tức.

Bà Trần Thị Hà, Giám đốc Chi nhánh Pro Sports cho hay, doanh nghiệp đã rất nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, thậm chí chấp nhận lấy giá cạnh tranh để có được đơn hàng lấp đầy các dây chuyền sản xuất.  

Chung tình cảnh, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 8, nhiều doanh nghiệp còn đơn hàng tồn để xuất khẩu, nhưng sang tháng 9, tháng 10, lượng đơn hàng giảm rất nhiều. 

Còn theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), trong cuộc khảo sát hai tuần vừa qua, có 33 trong số 45 doanh nghiệp xuất khẩu thừa nhận mức doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. 

Tương tự, các doanh nghiệp thủy sản cũng đối diện với tình hình xuất khẩu có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP,  dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3.

Trước bài toán khó thị trường xuất khẩu giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã không thụ động, mà tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn đang phải loay hoay tìm kiếm đơn hàng những tháng cuối năm. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, mặc dù đối diện nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích ứng nhanh với những thách thức của thị trường. Nếu trước đây ngành dệt may Việt Nam chỉ tập trung vào 5 thị trường truyền thống gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, thì bây giờ đã bắt đầu chuyển dịch sang một số thị trường mới như Canada, Hồng Kông (Trung Quốc)...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cũng đã thích ứng trong bối cảnh nhiều đơn hàng có tính chuyên môn hóa cao như sản phẩm đồ jean, kaki, thun… đều bị thiếu đơn hàng, có doanh nghiệp thiếu đến 35%, thì đến nay đã chuyển từ mặt hàng dệt kim sang dệt thoi một cách nhanh chóng. Đồng thời, tập trung đầu tư vào công nghệ và tự động hóa để thích ứng với chuyển dịch cơ cấu mặt hàng. “Các doanh nghiệp Việt đã mạnh dạn mở rộng thị trường, tiến tới mô hình đa quốc gia và chúng ta đã tập trung phát triển được 26/27 quốc gia trong khối EU”, ông Giang cho hay.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đang tích cực hoàn thiện các khâu sản xuất, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu (sợi, vải), bảo đảm khép kín chuỗi cung ứng. Vinatex liên tục cập nhật biến động nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp thành viên; nhập khẩu một lượng bông dự trữ với giá tốt, tránh những rủi ro về tăng giá, sẵn sàng cho các đơn hàng nửa cuối năm. 

Sát cánh cùng doanh nghiệp 

Nói về sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan với cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho rằng, đó là sự đồng hành khăng khít, kề vai sát cánh của Chính phủ, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và đặc biệt lắng nghe các doanh nghiệp với các quyết sách lớn: Chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ Zero-Covid sang thích ứng, linh hoạt và chúng ta ứng phó với dịch, sống cùng với dịch. Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu Covid-19. Đó là những chính sách giúp doanh nghiệp bảo toàn lực lượng, không bị đứt gãy sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sớm, chiếm được vị trí mới trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Theo ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thời gian qua, các doanh nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần dân tộc cao, đặc biệt là bản sắc của doanh nhân Việt Nam rất sáng tạo, năng động, đã đồng hành với Chính phủ, chia sẻ khó khăn, đóng góp các nguồn lực lớn cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19, giữ vững được nền sản xuất.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang

Với sự quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ vượt mục tiêu, cao nhất trong khu vực.

Ở góc độ quản lý, để ứng phó, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thông qua chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.

Bộ Công Thương chỉ đạo các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương, phát triển sản xuất và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.

Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để bảo đảm sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng số hóa, thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm….

Hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư kinh doanh 

Trao đổi với Kinh tế đô thị, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định, thực tế hiện nay vẫn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra điểm nghẽn cho hoạt động đầu tư. Để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023, VCCI kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh.

Cụ thể, đối với một số dự thảo Luật quan trọng đang được soạn thảo như: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, trong quá trình xây dựng cần tiếp tục tham vấn rộng rãi, công khai cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý cần được minh bạch để tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19 cho doanh nghiệp. Bởi, các gói hỗ trợ dù đã được triển khai, song tốc độ giải ngân vẫn còn chậm. Tình trạng doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cho thấy các điều kiện để vay vốn dường như chưa phù hợp với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy cần có biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thực sự phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cũng khuyên các doanh nghiệp nên coi trọng việc phát triển thị trường trong nước và các chuỗi cung ứng mới; phát triển thương mại điện tử; phát triển hạ tầng logistics đồng bộ và kết nối giữa các ngành và lĩnh vực vận tải; đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ.

Song song với đó, nhận diện sớm, đầy đủ và đẩy mạnh công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong bối cảnh các nước khi mở cửa giao thương hậu Covid-19. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng hữu quan nghiên cứu, triển khai các giải pháp hỗ trợ gián tiếp cho người dân và doanh nghiệp thông qua quản lý chi phí và giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như giá điện, giá xăng dầu…

Đặc biệt là định hình và xác lập vị thế mới của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam từ các nhà đầu tư FDI có tiềm năng về tài chính, công nghệ và tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam.

Hương Anh (tổng hợp)