Môi trường

Động đất 3,2 độ ritchter rung chuyển thành phố Uông Bí

Sáng 15/8, tại thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) diễn ra động đất với cường độ 3, 2 richter. Cơn chấn động khiến nhiều nhà dân rung lắc, nhiều người phải chạy ra ngoài để tránh nguy hiểm.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cho biết, vào 10h03 (giờ Hà Nội) sáng nay (15/8), một trận động đất có độ lớn 3.2 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.018 độ vĩ Bắc, 106.783 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.9 km. Động đất xảy ra tại khu vực TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Trong cơn rung chấn, người dân cảm nhận rõ nhà rung lắc, một số người đã chạy ra ngoài đường để tránh nguy hiểm.

Chia sẻ với Vietnamnet, anh Nguyễn Đức Mạnh (20 tuổi, phường Quang Trung, TP. Uông Bí) cho biết: “Tôi đang ngồi ngay cửa, thấy mặt đất rung chuyển liền chạy ra ngoài đường”.

Báo Tin tức dẫn lời Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần cho biết, hiện tại chưa có nghiên cứu xác định rõ về nguyên nhân gây ra trận động đất này.

Ông Phương khẳng định, Quảng Ninh chưa từng ghi nhận về động đất trước đây nhưng có thể cũng không có nguyên nhân gì bất thường ở trận động đất này. Động đất xảy ra ở các nguồn nhỏ, có khi không được ghi nhận trên bản đồ.

Nếu động đất lớn hoặc có nguồn xảy ra ở những đứt gãy dài hàng trăm hoặc hàng nghìn km như đứt gãy sông Hồng, sông Mã, sông Cả thì mới được ghi nhận trên bản đồ. Vì vậy, đây có thể do một nguồn đứt gãy địa chất địa phương, có thể không được ghi nhận trên bản đồ nhưng vẫn có khả năng phát sinh ra động đất nhỏ, không mang tính khu vực - ông Phương thông tin.

Ở góc độ là một chuyên gia, ông Phương cũng cho rằng, đây có khả năng là trận động đất kích thích vì khu vực động đất là vùng mỏ, vì vậy không tránh được việc nổ mìn, phá đá do con người, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây động đất. 

Theo Thanh Niên, ghi nhận ban đầu, đây là trận động đất yếu, là hệ quả hoạt động của các đới đứt gãy, không có khả năng gây thiệt hại về người và tài sản.

Hiện các nhà khoa học của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Bá Di (Tổng hợp)