Văn hoá

Đóng cửa dinh thự vua Mèo: Dòng họ Vương là chủ sở hữu đặc biệt

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, họ Vương không phải là chủ sở hữu bình thường mà là chủ sở hữu của một tài sản văn hóa tinh thần của địa phương, cộng đồng, đất nước.

Dư luận xã hội đang ồn ào xung quanh việc cháu nội vua Mèo muốn đóng cửa dinh thự vua Mèo ở Đồng Văn, Hà Giang.

Dinh thự vua Mèo ở Hà Giang có thể bị đóng cửa.

Cụ thể, ông Vương Duy Bảo, nguyên Phó Cục trưởng cục Văn hóa cơ sở (bộ VH-TT-DL), cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình cho rằng hai năm nay, chính quyền không đầu tư tu sửa khiến khu dinh thự xuống cấp và tự ý sửa chữa một số hạng mục không đúng với yếu tố nguyên gốc, phần thuyết minh về giá trị kiến trúc và lịch sử của dinh thự chưa chính xác…

Ông Bảo đề nghị tỉnh Hà Giang mời đại diện họ Vương đến bàn thảo để thống nhất ba vấn đề: Trách nhiệm Nhà nước với dinh thự vì đây là di tích quốc gia; trách nhiệm dòng họ Vương cùng Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích; phân chia quyền lợi (từ bán vé) giữa Nhà nước và họ Vương.

Ông Bảo cũng cho biết, đây là việc “cực chẳng đã”.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo Người Đưa Tin về vấn đề quản lý dinh thự vua Mèo, ông Phạm Tất Thắng nêu quan điểm: “Di tích lịch sử dinh thự vua Mèo có tính chất khá đặc biệt bởi nó gắn liền với một dòng họ, với lịch sử dân tộc.

Cần có sự hài hòa giữa yêu cầu quản lý, yêu cầu của xã hội, cộng đồng với yêu cầu của chủ sở hữu. Phía cơ quan quản lý phải tạo điều kiện cần thiết để vừa có thể trùng tu, phát huy được di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan của cộng đồng. Phía dòng họ, về mặt pháp lý thì đang là chủ sở hữu.

 Tuy nhiên, họ không phải là chủ sở hữu bình thường mà là chủ sở hữu của một tài sản văn hóa tinh thần của địa phương, cộng đồng, đất nước.

Dòng họ cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua việc bảo tồn, phát huy di tích này cho thật tốt. Nếu tiếp cận từ 2 hướng như vậy, gia đình họ Vương đề nghị phân chia nguồn thu được từ vé tham quan cũng là hợp lý. Cơ quan quản lý cần quan tâm tới đề xuất của gia đình họ Vương để vừa bảo tồn vừa phát huy được di tích”.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Ủy viên hội đồng Dân tộc của Quốc hội) cho hay: “Dinh thự vua Mèo là tài sản là của dòng họ nhưng nó lại là di tích quốc gia nên cần có sự bảo tồn và đặt dưới sự quản lý của nhà nước.

Quyết định đóng cửa có lẽ là chưa đúng nhưng cần có sự trao đổi giữa dòng họ với chính quyền địa phương để vừa khai thác được mà vẫn có điều kiện để giữ gìn trùng tu, bảo vệ.  Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Giang cần phải có quy định rõ ràng để dòng họ thấy rằng có sự chia sẻ phần lợi ích giữa gia đình và dòng họ.

Bộ Văn hóa cũng phải có nghị định về việc thực hiện, bởi không chỉ có điểm di tích dinh thự vua Mèo mà còn nhiều nơi khác nữa. Di tích thuộc sở hữu của tư nhân, dòng họ, dòng tộc, cộng đồng, nếu chúng ta không đưa ra thiết chế thì chắc chắn nó sẽ dẫn tới việc khó xử lý. Cần có quy định rõ ràng để hài hòa các bên”.

Thông tin từ ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó chủ tịch huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết gia đình họ Vương đang đòi phân chia tiền bán vé với tỉ lệ 40% cho họ Vương và 60% cho Nhà nước, Hà Giang đang phải cân nhắc với con số này.

Ông này cũng cho biết thêm, hiện phí tham quan di tích là 20 nghìn đồng/lượt. Mỗi năm tiền thu về từ 2-2,5 tỷ. Số tiền này được chi vào việc trả lương cho nhân viên, tái đầu tư vào khu di tích, nộp ngân sách tỉnh và xúc tiến du lịch. Thời gian qua, Hà Giang đã chi khoảng 8,5 tỷ đồng để trùng tu khu dinh thự.

PV Quốc hội