Thế giới

Dòng chảy năng lượng toàn cầu chuyển hướng vì xung đột Nga - Ukraine

Thách thức đặt ra đối với thế giới là chuyển đổi sang công nghệ sạch hơn trong khi vẫn đảm bảo nhu cầu năng lượng hiện tại.

Cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra bởi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đang trở thành động lực thúc đẩy thế giới chuyển sang năng lượng ít cacbon. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, xung đột cũng dẫn tới cạnh tranh nguồn cung nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy hàng tỷ USD đầu tư mới vào lĩnh vực này.

Mỹ và các nước châu Âu đang lên kế hoạch cho phép các nhà máy khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được hoạt động trong nhiều thập kỷ. Nhu cầu than hiện tăng mạnh trên khắp thế giới, các nhà dầu khí đá phiến của Mỹ cũng sẽ thúc đẩy trở thành nguồn cung tiềm năng cho những quốc gia muốn giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga.

Một công nhân vận chuyển các bình gas từ xe tải ở Ba Lan. Ảnh: Getty Images.

Trong hội nghị hàng năm của BloombergNEF ở New York hôm 19/4, các giám đốc điều hành và nhà đầu tư cho biết thách thức đặt ra đối với thế giới là chuyển hướng sang công nghệ sạch hơn trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại. Quá trình chuyển đổi là khó khăn và không thể diễn ra một sớm một chiều.

Bà Keo Lukefahr, người đứng đầu bộ phận phái sinh năng lượng và kinh doanh năng lượng tái tạo tại công ty Motiva Enterprises LLC, nhận định: “Năng lượng hóa thạch là một phần trong quá trình chuyển đổi này. Quá trình chuyển đổi cần có thời gian lâu dài".

Hoạt động của thị trường khí đốt đã bị gián đoạn trong bối cảnh các quốc gia đặc biệt tại khu vực châu Âu tìm kiếm giải pháp thay thế nguồn nhập khẩu từ Nga. Bà Anastacia Davies, người đứng đầu bộ phận nguồn cung dầu của BloombergNEF, cho biết tại hội nghị rằng sản lượng toàn cầu hiện tại là không đủ, điều đó sẽ thúc đẩy đầu tư vào sản xuất mới đặc biệt là mảng dầu khí đá phiến của Mỹ.

Nhà quản lý Bertrand Millot của Quỹ hưu trí lớn thứ hai tại Canada Caisse de depot et setting du Quebec (CDPQ) cho biết xung đột có thể dẫn tới tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh. Các quốc gia sẽ nhạy cảm hơn với những quan ngại về an ninh năng lượng và nhận thấy lợi thế của năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Ông Justin Guay, Giám đốc chiến lược khí hậu toàn cầu tại Sunrise Project - một nhóm vận động cho quá trình chuyển dịch toàn cầu khỏi than và nhiên liệu hóa thạch, cho rằng một số công ty năng lượng đang tận dụng một cách gian xảo cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu hiện nay, bằng việc lập kế hoạch cho các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém và mất nhiều năm để hoàn thành mà không giải quyết nhu cầu trong ngắn hạn. Ông nói: “Phải tốn 3 đến 5 năm để xây dựng một trạm LNG mới, trong khi châu Âu cần một nguồn cung khí đốt mới vào cuối năm nay".

Xung đột tại Ukraine đã làm dấy quan ngại về sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch, nhiều người đang tìm giải pháp thoát khỏi các nguồn năng lượng truyền thống. Ông Jon Moore, người đứng đầu BNEF, cho biết: “Khi mọi thứ đang phức tạp, tốt hơn hết là bạn nên xem xét giải quyết nhu cầu chưa được đáp ứng”.

Kích bơm dầu tại một mỏ dầu ở Sokolovka, Udmurt, Nga, vào ngày 20/11/2020. Ảnh: Bloomberg.

Hôm 18/4, Chính phủ Italy cho biết Mỹ và EU đã đạt đồng thuận lớn về gia tăng sức ép đối với điện Kremlin thông qua triển khai thêm các biện pháp trừng phạt. Chính phủ Italy tái khẳng định cam kết chung trong việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.

Quyết định được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Miche, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg, các nhà lãnh đạo của Canada, Italy, Romania và Ba Lan cũng tham gia.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, CNBC)