Thế giới

Đồng bạc xanh – Lợi và hại khi tăng giá

Giá trị đồng USD liên tục tăng lên gần mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ qua, gây ra nhiều tác động tích cực và cả tiêu cực lên nền kinh tế Mỹ và các quốc gia khác.

Giá trị của đồng USD Mỹ so với các đồng tiền chính khác trên biểu đồ chỉ số đồng USD (DXY) đã đạt mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000. Mặc cho những lo ngại về suy thoái gia tăng và những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang chậm lại, các nhà đầu tư vẫn tin rằng giá trị đồng bạc xanh sẽ không giảm xuống trong ngắn hạn.

Sau khi tăng trở lại vào ngày 16/9, đồng USD được giao dịch với giá 1USD/143,600 Yên, tiệm cận mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ (1 USD/144,99 Yên, ngày 7/9).  

Nếu như năm 2021, 1 USD đổi được chưa đến 110 Yên, thì giờ đây, 1 USD đổi được 143 Yên, cao hơn khoảng 30%. Đây là mức tăng giá trị cao nhất của đồng USD so với một đồng tiền khác.

Giá trị ngoại tệ thay đổi liên tục do các ngân hàng, doanh nghiệp và thương nhân liên tục giao dịch theo các múi giờ khác nhau trên khắp thế giới.

Lý do khiến đồng USD tăng giá

Đồng USD có xu hướng tăng giá trị khi nền kinh tế của Mỹ tăng trưởng mạnh và ngược lại.  

Mặc dù lạm phát cao, thị trường lao động của Mỹ vẫn rất sôi động. Trong khi đó, các lĩnh vực khác của nền kinh tế như lĩnh vực dịch vụ cũng đang có dấu hiệu phục hồi.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng đang làm cho các nền kinh tế châu Âu căng thẳng, khiến nền kinh tế số một thế giới trông càng mạnh mẽ hơn so với các nền kinh tế khác, Giáo sư Kenneth Rogoff tại Đại học Harvard cho biết.

“Mọi người đều nói về suy thoái, nhưng nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt hơn nhiều nền kinh tế khác,” ông Rogoff nói thêm. Ông cũng là cựu chuyên gia kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt hơn nhiều nền kinh tế khác. Ảnh: Yahoo! News

Trong một thế giới chìm ngập trong khủng hoảng và lạm phát, đồng USD trở thành một “nơi trú ẩn an toàn” cho các nhà đầu tư. Họ đua nhau đặt tiền vào các tài sản an toàn hơn như trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến giá trị của đồng tiền này càng lên cao, ông Vassili Serebriakov, một chiến lược gia ngoại hối tại ngân hàng đầu tư UBS cho biết.

Theo ông Rogoff, một nguyên nhân nữa khiến đồng bạc xanh tăng giá là do Cục Dự trữ Liên bang đang trên đà tăng lãi suất nhanh hơn so với các nước lớn khác. Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ nhận được lội nhuận lớn hơn. Do đó, đồng USD càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt họ, ông cho biết.

Tác động đối với Mỹ

Ông Marc Chandler, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại công ty giao dịch Bannockburn Global Forex cho biết, đồng USD có giá trị hơn sẽ giúp kiểm soát lạm phát, vì các công ty có thể mua hàng nhập khẩu với giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, điều này không giải tỏa được mối lo của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay, vì đồng USD chỉ giúp giảm tỉ lệ lạm phát xuống 0,2-0,3%, một con số khá khiêm tốn so với tỉ lệ lạm phát cao ngất ngưởng ở Mỹ.

Bên cạnh đó, đồng USD mạnh hơn cho phép người Mỹ dễ dàng đi nghỉ mát ở châu Âu và mua hàng hóa xa xỉ hay rượu vang hảo hạng ở các quốc gia khác.

Một số người Mỹ thậm chí còn đang tìm mua nhà ở các nước như Pháp vì giá trị bất động sản ở châu Âu đã rẻ hơn một năm trước do đồng Euro trở nên yếu thế hơn.

Mặt khác, đồng USD mạnh hơn có nguy cơ gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các công ty Mỹ hoạt động kinh doanh ở các quốc gia khác vì doanh thu và lợi nhuận kiếm được bằng nội tệ có giá trị thấp hơn tính theo đồng USD. Bên cạnh đó, sản phẩm của họ sẽ trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài, làm ảnh hưởng đến nhu cầu khách hàng.

Doanh thu mùa hè của McDonald’s đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu giá trị của đồng USD được giữ nguyên so với các loại tiền tệ khác, doanh thu của công ty sẽ tăng thêm 3%. Trong khi đó, Microsoft cho biết những thay đổi về giá trị ngoại tệ đã khiến doanh thu của họ giảm mất 595 triệu USD trong quý gần nhất.

Tuy nhiên, người dân Mỹ nói chung hầu như không nhận thấy tác động rõ ràng của đồng USD lên cuộc sống hàng ngày vì phần lớn nhu cầu của họ đều được các công ty trong nước đáp ứng, ông David Wessel, Giám đốc Trung tâm tài khóa và chính sách tiền tệ Hutchins của Viện Brookings cho biết.

Tác động với các quốc gia khác

Khi lãi suất của Mỹ ở mức thấp, các nhà đầu tư toàn cầu có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các thị trường mới nổi, hoặc các quốc gia đang phát triển. Nhưng khi tỉ giá bắt đầu tăng ở Mỹ và giá trị đồng bạc xanh leo thang, dòng tiền bắt đầu chảy ra khỏi các quốc gia đó, ông Wessel nhận định.

Một số quốc gia đang phát triển có nhiều dự trữ hơn, hoặc hàng hóa xuất khẩu của họ được định giá bằng USD, nhờ đó họ thậm chí còn được hưởng lợi.

Tuy nhiên, một số nền kinh tế khác như Sri Lanka lại phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ, vì họ vay tiền bằng USD và không đủ năng lực chi trả cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Họ sẽ phải đánh thuế cao hơn, phát hành tiền lạm phát trong nước, hoặc đơn giản là đi vay nhiều hơn, dẫn đến suy thoái sâu, siêu lạm phát, khủng hoảng nợ hoặc cả ba cùng lúc. Kết quả là, họ sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ để phục hồi, đồng thời, cuộc sống người dân của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Sri Lanka đang phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ. Ảnh: Asia News

Tương lai nào cho đồng USD?

Thị trường tiền tệ cực kỳ khó dự đoán, vì vậy rất khó để nói liệu đồng USD sẽ tiếp tục tăng hay giảm trong những tháng tới.

Đồng tiền này có thể giảm nếu Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái và Fed phải cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế, điều mà một số nhà phân tích dự đoán có thể xảy ra trong năm tới.

Mặt khác, nó sẽ tăng giá nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao và Fed phải tiếp tục tăng lãi suất hơn dự kiến, hay Ngân hàng Trung ương châu Âu, phải điều chỉnh và cắt giảm lãi suất, ông Rogoff nói.

Giáo sư Rogoff từ trường Đại học Harvard cho biết, đồng USD có thể giảm giá nếu cuộc xung đột ở Ukraine chấm dứt một cách “thần kỳ”, giảm bớt áp lực lên các nền kinh tế châu Âu và thúc đẩy đồng tiền của họ tăng giá.

Báo cáo hôm 13/9 về lạm phát của Hoa Kỳ đã gây sốc cho thị trường, khiến các nhà giao dịch đặt cược rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào năm tới. Các quan chức Fed gần đây đã tái khẳng định cam kết giữ lãi suất cao “cho đến khi hoàn thành” việc kiểm soát lạm phát ở nền kinh tế số một thế giới, ngay cả khi nó làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.

Động thái này cho thấy, khả năng Fed vẫn sẽ duy trì lãi suất cao, hỗ trợ cho đà tăng của đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Nguyễn Tuyết (Theo AP, Vox, The Conversation, CNN)