Tài chính - Ngân hàng

Đơn từ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank của ông Cao Xuân Ninh chưa được chấp thuận?

Hơn 1 tháng sau khi được các thành viên HĐQT thống nhất bầu làm Chủ tịch Eximbank, ông Cao Xuân Ninh bất ngờ gửi đơn xin từ chức giữa hàng loạt tranh chấp nội bộ ngân hàng. Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy, ông này vẫn đang phải đảm nhiệm vị trí này.

Diễn biến mới nhất liên quan đến lùm xùm “ghế nóng” của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB), theo báo cáo tài chính quý II/2019 của ngân hàng Eximbank, ông Cao Xuân Ninh hiện vẫn đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) ngân hàng.

Như vậy, HĐQT Eximbank hiện tại gồm có 10 người gồm Chủ tịch Cao Xuân Ninh, hai Phó Chủ tịch gồm ông Đặng Anh Mai, ông Yasuhiro Saitoh và 7 thành viên khác. 

Ngày 22/5, ông Cao Xuân Ninh được bầu vào chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank vào. Tuy nhiên, hơn một tháng sau khi nhận được sự đồng thuận của các thành viên HĐQT, ngày 26/6, ông Cao Xuân Ninh đã có đơn xin từ chức Chủ tịch ngân hàng.

"Tôi luôn đặt lợi ích của ngân hàng là ưu tiên số một trong hành động của mình. Vì vậy bằng văn bản này, tôi đề nghị HĐQT chấp thuận để tôi từ chức chủ tịch HĐQT và mong muốn HĐQT sẽ tìm kiếm và bầu ra người phù hợp, được toàn bộ HĐQT nhất trí thông qua để giúp tình hình quản trị điều hành được cải thiện, đưa NH vượt qua khủng hoảng", ông Ninh viết trong đơn.

Đồng thời, lá đơn của ông Ninh cũng hé lộ phần nào các mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông, nhóm cổ đông, trong nội bộ còn tiếp diễn chưa thể dung hòa, đây có thể là lý do chính khiến ông Ninh đưa ra quyết định khó khăn này.

Ông Cao Xuân Ninh (giữa) tại phiên họp ĐHĐCĐ Eximbank tổ chức hôm 21/6 - vài ngày trước khi ông làm đơn từ chức Chủ tịch HĐQT.

Cũng vào ngày 26/6, ông Ninh đã có giấy uỷ quyền Chủ tịch HĐQT cho ông Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Cũng chính vì mâu thuẫn nội bộ nên dù đã lên kế hoạch nhưng ngân hàng Eximbank phải 2 lần hoãn họp đại hội cổ đông.

Do đó, ngày 3/7, nguồn tin của Người Đưa Tin cho biết, cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II) có công văn số 1089/CụcII.4 gửi ban lãnh đạo Eximbank, gồm Chủ tịch và các Thành viên HĐQT, Trưởng Ban và các Thành viên Ban kiểm soát cùng Ban điều hành nhà băng này.

Theo nội dung công văn, nhằm tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, đảm bảo hoạt động của Eximbank ổn định, an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật, Cục II yêu cầu Chủ tịch HĐQT và ban lãnh đạo Eximbank thực hiện tổ chức ĐHĐCĐ và đề nghị ĐHĐCĐ thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ theo đúng quy định của pháp luật.

Văn bản nêu rõ Chủ tịch và các Thành viên HĐQT, Trưởng Ban và các Thành viên BKS cùng Ban điều hành Eximbank chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật trong trường hợp không tổ chức ĐHĐCĐ thành công theo quy định; không tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông... và những rủi ro, tổn thất, thiệt hại (nếu có) đối với Eximbank.

"Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM yêu cầu HĐQT, BKS, Ban điều hành Eximbank nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên", cục II nhấn mạnh.

Ở một diễn biết ít được chú ý hơn, cho đến ngày 22/7, ông Cao Xuân Ninh vẫn ký 2 nghị quyết HĐQT Eximbank với cương vị Chủ tịch ngân hàng.

Cụ thể, là hai nghị quyết số 388 thông qua tờ trình điều chỉnh giảm vốn điều lệ của Eximbank AMC từ 1.700 tỷ đồng xuống mức 300 tỷ đồng và nghị quyết số 389 thông qua chủ trương phát hành riêng lẻ 5.000 tỷ đồng trái phiếu. 

Như vậy, có khả năng đơn từ chức chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank của ông Cao Xuân Ninh gửi cuối tháng 6/2019 vẫn chưa được HĐQT chấp thuận, hoặc một lý do khác, nhà băng này chưa thể tìm được một người khác thay thế khả dĩ hơn ông Cao Xuân Ninh?

Đình Văn