Thế giới

Đòn trả đũa đầu tiên của phe đảo chính Niger đối với Pháp

Pháp đã đình chỉ tất cả viện trợ phát triển cho Niger ngay sau khi các nhà lãnh đạo quân sự nước này tuyên bố phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum.

Chính quyền mới của Niger do Tướng Abdourahamane Tiani lãnh đạo đã cấm xuất khẩu uranium và vàng sang Pháp hôm 30/7, theo WION News.  

Niger là nhà sản xuất uranium lớn thứ bảy thế giới, sở hữu quặng uranium cấp cao nhất của Châu Phi và là một trong những nhà xuất khẩu uranium chính sang Châu Âu.

Trong khi đó, Pháp nhập khẩu khoảng 15-17% lượng uranium từ Niger để cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân của mình.   

Theo ông Thierry Mariani, thành viên Nghị viện Châu Âu, Pháp sẽ không thiếu uranium sau khi Niger ngừng xuất khẩu quặng sang quốc gia này.

“Uranium có rất nhiều trên hành tinh, và các mỏ uranium được phân bổ khắp thế giới. Ngoài ra, tập đoàn Orano, một công ty nhiên liệu hạt nhân của Pháp, có trữ lượng uranium dự trữ khoảng 10 năm và có khả năng mua nó trên toàn thế giới”, ông Mariani nói thêm.

“Pháp không phụ thuộc vào bất kỳ địa điểm, công ty hay quốc gia nào để đảm bảo nguồn cung cho các nhà máy điện của mình”, một quan chức từ Bộ năng lượng Pháp cũng khẳng định.

Những người biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự mới tập trung bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Niamey, Niger hôm 30/7. Ảnh: Washington Post

Ông Alexander Uvarov, Tổng biên tập trang web atominfo.ru, cho rằng việc ngừng xuất khẩu uranium từ Niger sẽ không có tác động ngay lập tức đối với Pháp bởi 2 lý do.

Thứ nhất, uranium được cung cấp theo từng lô riêng lẻ. Thứ hai, ngành công nghiệp điện hạt nhân thông thường sẽ dự trữ uranium để phòng trường hợp bị gián đoạn và người Pháp cũng sẽ có nguồn dự trữ như vậy trong tầm tay.

Tuy nhiên, nếu lệnh cấm xuất khẩu trở thành biện pháp vĩnh viễn chứ không phải tạm thời, ngành điện hạt nhân của Pháp sẽ phải tìm nguồn thay thế uranium của Niger ở Canada hoặc Australia, ông Uvarov cho biết.

“Chính phủ Niger cũng sẽ phải tìm một nhà nhập khẩu mới cho uranium của mình, và rất có thể đó sẽ là Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với những thay đổi sâu sắc đối với thị trường uranium toàn cầu, và giá uranium cuối cùng có thể tăng lên”, ông Uvarov nói thêm. 

Cuộc đảo chính ở Niger cũng có thể sẽ là một thách thức đối với nhu cầu uranium của châu Âu trong dài hạn. Lục địa này đang cố gắng loại bỏ dần sự phụ thuộc vào Nga, một nhà cung cấp uranium hàng đầu khác.

Theo ông Phuc Vinh Nguyen, chuyên gia năng lượng tại Viện Jacques Delors ở Paris, căng thẳng ở Niger có thể khiến EU phải xem xét lại việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong lĩnh vực hạt nhân.

Theo Cơ quan Cung cấp của Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu (EAEC), Niger là nhà cung cấp uranium hàng đầu của EU, tiếp theo là Kazakhstan và Nga vào năm 2021.

“Nó có thể gây ra hậu quả ở cấp độ EU. Uranium và năng lượng hạt nhân nói chung vẫn chưa bị trừng phạt. Nếu tình hình ở Niger trở nên tồi tệ hơn, điều này chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với uranium của Nga trong thời gian ngắn”, ông Phuc-Vinh Nguyen cho biết. 

Chính phủ Pháp “sẽ không tha thứ cho bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Pháp và các lợi ích của Pháp” ở Niger, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hôm 30/7, sau khi hàng nghìn người Niger tập trung bên ngoài đại sứ quán Pháp ở Niamey. Ảnh: France 24

Phe đảo chính ở Niger hôm 31/7 cáo buộc rằng Pháp đã lên kế hoạch can thiệp quân sự vào quốc gia này để tìm giải thoát cho Tổng thống Mohamed Bazoum, người hiện đang bị lực lượng này giam giữ.

“Với sự đồng lõa của một số người Niger, Pháp đã tổ chức một cuộc họp với tham mưu trưởng Lực lượng Vệ binh Quốc gia Niger để nhận được sự cho phép chính trị và quân sự cần thiết”, Đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên chính quyền quân sự Niger khẳng định.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã phủ nhận cáo buộc này, đồng thời nói thêm rằng quyền lực của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum vẫn có thể khôi phục được.

Tổng thống Niger Bazoum, một đồng minh phương Tây, đã bị lực lượng cận vệ tinh nhuệ của chính mình lật đổ vào ngày 26/7.

Chỉ huy lực lượng Vệ binh, Tướng Abdourahamane Tiani ngay sau đó tuyên bố mình là lãnh đạo của quốc gia Sahel, nhưng tuyên bố của ông không được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã cho ông Tiani một tuần để trao lại quyền lực cho ông Bazoum, nếu không họ có thể can thiệp quân sự vào Niger.  

Nguyễn Tuyết (Theo WION, Politico, Washington Post)