Xi nhan Trái Phải

Dọn rác, xin đừng coi là hiện tượng

Khi mà việc xả rác ra đường được xem như... hành động đương nhiên và chuyện những người tình nguyện dọn rác vẫn còn là hiện tượng hiếm hoi thì rác thải vẫn mãi còn là vấn nạn.

Ấn tượng đầu tiên với ông thầy Mỹ của con trai tôi và hầu hết các bạn ở lứa tuổi 11, 12 trong lớp học đó không đến từ những bài học tiếng Anh mà từ thói quen thu gom rác. Câu chuyện người đàn ông tóc bạc, da đồi mồi tay luôn khư khư ôm bọc rác ra xe rác cách cổng trường một đoạn xa sau mỗi buổi dạy học đã trở thành chủ đề trong bao bài văn tả thầy của lũ trẻ.

Việc một người thầy lớn tuổi lom khom nhặt từng mẩu giấy trong phòng học và hành lang xung quanh lớp sau mỗi buổi học đã và vẫn khiến đám học trò ngạc nhiên. Có đứa tay tuy nhặt cùng thầy nhưng miệng vẫn rủ rỉ bằng những câu tiếng Anh đầy trúc trắc: “Có ai bắt mình phải làm việc này không ạ?”. Đứa mạnh miệng hơn thì dõng dạc tuyên bố: “Đây là việc của lao công”.

Khi mà những người tình nguyện dọn rác vẫn còn là hiện tượng hiếm hoi thì rác thải vẫn mãi còn là vấn nạn. Ảnh minh hoạ từ internet

Nhưng mặc tất cả, đáp lại chỉ là nụ cười hiền lành của người thầy đến từ nơi cách lũ trẻ nửa vòng Trái đất. Ông vẫn cứ nhặt rác như một việc hiển nhiên phải thế đều đặn hàng ngày, từ tuần này sang tuần khác và lớp dạy tiếng Anh của ông, theo tôi biết giờ đã được đến gần chục năm. Ông làm mà không cần một lời giải thích, một tiếng hô hào.

Thời gian đầu, trong con mắt của lũ trẻ, hành động tự nhiên của người thầy này rất lạ lẫm và dường như thuộc về một thứ văn hoá ở một nơi xa lạ chứ không phải nơi chúng đang sống. “Người nước ngoài họ vậy chứ”, lũ trẻ vẫn hay nói như thế. Tuy nhiên, qua thời gian, thói quen ôm theo bọc rác, thậm chí không phải của mình sau mỗi giờ tan học đã hình thành ở nhiều học sinh của ông. Có những đứa trẻ sau này chia sẻ từ ngày học lớp thầy, tự nhiên ngại khi xả rác ra lớp và quen… ôm rác về nhà. 

Có nhiều sự đổi mới, tiến bộ của xứ ta khiến những người Việt xa quê lâu năm ngỡ ngàng trong ngày trở về. Nhưng tiếc thay, trong đó không có văn hoá với việc xả rác, gom rác. Và quan trọng, thái độ sống chung với rác thản nhiên đến khó tin.

Không khó để bắt gặp nhiều người khi đến các địa điểm vui chơi, sau khi ăn uống xong, thản nhiên xả vỏ bánh kẹo, chai nước, túi nilon xuống lòng đường, vỉa hè dù thùng rác công cộng chỉ cách đó vài mét. Nhìn hình ảnh vỉa hè tràn ngập rác trên con phố Tạ Hiện hay các phố đi bộ vào cuối tuần đủ thấy rác và việc xả rác được người Hà Nội nói riêng và xứ ta nói chung chấp nhận sống chung ra sao.

Chính bởi lẽ đó, trường hợp James Joseph Kendall, “ông Tây một mình dọn rác phố cổ” trở thành hiện tượng trong thời gian gần đây. Hình ảnh người đàn ông nước ngoài mồ hôi nhễ nhại nói về chiến tích đã dọn được hàng chục kg rác khi gần quá nửa đêm sát ngày lễ Trung thu trở thành câu chuyện được lan truyền trên mạng như một hiện tượng lạ.

Anh James Joseph Kendall cũng không phải người nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam và tự nguyện đảm nhận công việc dọn rác này. Dẫu vậy, giữa cộng đồng... thản nhiên với rác, anh vẫn trở thành hiện tượng lạ. Đáng buồn hơn, trước hành động đáng ngợi ca của người đàn ông ngoại quốc ấy, có một số ý kiến gièm pha, đại ý rằng nếu anh không làm thì đằng nào sáng sớm hôm sau chỗ rác kia cũng được các nhân viên vệ sinh trong khu vực này dọn dẹp sạch sẽ.

Nếu James không làm thì các nhân viên vệ sinh cũng sẽ phải làm? Điều này có thể đúng nhưng nếu còn những suy nghĩ như vậy thì hẳn nhiên hiện tượng vô tư xả rác sẽ vẫn còn tồn tại. Và xã hội rồi sẽ đi về đâu nếu những chuyện nhẽ ra là đương nhiên lại trở thành hiện tượng, những điều tốt đẹp trở thành hiếm hoi?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả