Thế giới

Đòn đáp trả của Nga liên quan tài sản bị đóng băng do xung đột Ukraine

Động thái của Điện Kremlin diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang tìm cách sử dụng số tài sản của Nga bị đóng băng ở nước ngoài.

Nga đã chỉ định một nhà môi giới để tiến hành hoán đổi tài sản giữa các nhà đầu tư Nga và nước ngoài bị vướng vào các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt sau cuộc xung đột ở Ukraine.

Bộ Tài chính Nga hôm 11/3 cho biết về một kế hoạch mà theo đó, từ ngày 25/3, người Nga sở hữu các cổ phiếu quốc tế bị đóng băng sẽ có thể đăng ký để hoán đổi chúng cho người nước ngoài có tài sản bị phong tỏa ở Nga.

Các giao dịch sẽ diễn ra thông qua một công ty môi giới của Nga, theo sắc lệnh do Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành hồi tháng 11 năm ngoái, mở đường cho các nhà đầu tư Nga và nước ngoài giải tỏa các tài sản bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây và các biện pháp trả đũa của Nga kể từ đầu cuộc chiến ở Ukraine.

Một đòn đáp trả

Người phát ngôn của Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FCDO), tức Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh, cho biết động thái của Nga không liên quan hay ảnh hưởng gì đến các lệnh trừng phạt.

Động thái của Điện Kremlin diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang tìm cách sử dụng số tài sản của Nga bị đóng băng ở nước ngoài. Một số nhà đầu tư hoài nghi về việc liệu phương Tây sẵn sàng nhượng bộ Nga.

Ông Bernard Horn, chủ tịch và nhà quản lý danh mục đầu tư tại Polaris Capital Management có trụ sở tại Boston (Massachusetts, Mỹ), sở hữu cổ phần của nhà sản xuất kim cương lớn nhất Nga là Alrosa, cho biết động thái của Nga dường như “giống sương mù chiến tranh và đầu tư hơn”.

“Theo những gì chúng tôi biết, chúng tôi vẫn hoạt động hoàn toàn dưới mọi lệnh trừng phạt”, ông Horn nói. Với việc Nga cần tài trợ cho những nỗ lực của mình ở Ukraine, có thể hiểu tại sao Moscow muốn tìm cách đưa dòng vốn của Nga quay trở lại nước này, nhà đầu tư này nói thêm.

Nga hy vọng giao dịch hoán đổi tiềm năng này sẽ giải phóng khoảng 1,1 tỷ USD chứng khoán châu Âu, chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư bán lẻ Nga, đang bị phong tỏa theo các lệnh trừng phạt. Ảnh: Bruegel

“Đây là một cách để họ làm điều đó. Tuy nhiên, với những bình luận gần đây từ phương Tây, nơi đang tìm cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ tài chính cho Ukraine, kế hoạch này rõ ràng là một đòn đáp trả của Nga. Tôi nghĩ rằng về mặt khái niệm, nó vi phạm mục đích của các lệnh trừng phạt”, ông Horn cho biết.

“Tài khoản C”

Theo chỉ định của Bộ Tài chính Nga, Investitsionnaya Palata LLC, một công ty môi giới có trụ sở tại Voronezh không bị trừng phạt, sẽ thu thập đơn đăng ký từ các nhà đầu tư Nga muốn đổi cổ phiếu họ nắm giữ ở nước ngoài lấy tiền mặt mà các cá nhân không cư trú nắm giữ hiện đang bị giữ trong các “tài khoản C” ở Nga.

Các thỏa thuận hoán đổi dự kiến sẽ được giải quyết vào ngày 29/7 tới, theo tuyên bố của Investitsionnaya Palata. Nó chỉ ảnh hưởng đến các chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Quốc gia của Nga và giới hạn tối đa cho bất kỳ giao dịch nào được đặt ở mức 100.000 Rúp (1.100 USD).

Nga đã phong tỏa số tiền do những cá nhân từ các quốc gia mà họ coi là “không thân thiện” nắm giữ trong các “tài khoản C” ngay sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022.

Các “tài khoản C” chứa hơn 280 tỷ Rúp (3 tỷ USD) tính đến đầu tháng 11/2022, tức gần 9 tháng kể từ khi xung đột bùng phát, trang Interfax đưa tin, trích dẫn Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).

Kể từ đó, CBR không cập nhật số lượng tài sản bị phong tỏa, nhưng Interfax đưa tin vào tháng 6 năm ngoái rằng tổng số tài sản trong các “tài khoản C” đã tăng lên gần 600 tỷ Rúp (6,6 tỷ USD) vào cuối năm 2022.

Thống đốc CBR Elvira Nabiullina hồi tháng 2 năm nay cho biết rằng tiền đã dần dần được tích lũy trong các “tài khoản C”, chủ yếu thông qua thanh toán cổ tức và nợ trái phiếu.

Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, CBR đã thiết lập cơ chế cho phép các nhà đầu tư Nga bán chứng khoán nước ngoài bị đóng băng cho các cá nhân không cư trú bằng cách sử dụng tiền từ “tài khoản C” của họ, theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một sự kiện tại vùng Krasnodar, Nga, ngày 7/3/2024. Ảnh: Sputnik

Khó đánh giá tính khả thi

Công ty đầu tư Finam của Nga ước tính giá trị tài sản có thể hoán đổi ở mức 80-100 tỷ Rúp (0,9-1,1 tỷ USD). Ông Dmitry Lesnov, người đứng đầu bộ phận dịch vụ khách hàng tại Finam, cho biết: “Số lượng nhà đầu tư đang chờ cơ hội trao đổi tài sản bị phong tỏa của họ lên tới hàng chục nghìn”.

Kế hoạch hoán đổi được đề xuất có khả năng thực hiện được, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào nhu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài và họ có thể cần phải xin phép các cơ quan quản lý, ông Lesnov nói thêm.

Theo Investitsionnaya Palata, các nhà đầu tư tư nhân ở Nga sẽ có thể gửi đơn đăng ký hoán đổi đối với hơn 3.500 cổ phiếu trước ngày 8/5. Danh sách này bao gồm những cái tên như Procter & Gamble, General Motors, UBS, Apple và ExxonMobil.

Trái phiếu châu Âu, cổ phiếu và chứng chỉ lưu ký của các công ty Nga đăng ký ở nước ngoài sẽ không phải là một phần của giao dịch hoán đổi.

Investitsionnaya Palata cho biết, sau đó họ sẽ gộp số chứng khoán lại và chia chúng thành nhiều thành phần và giá trị tương tự nhau, trước khi nhận đơn đăng ký từ các nhà đầu tư nước ngoài trước ngày 5/7 để hoán đổi cổ phiếu lấy tiền bị mắc kẹt ở Nga.

Tài sản không bán được sẽ được trả lại cho chủ sở hữu Nga, trong khi số tiền chưa sử dụng của những cá nhân không cư trú sẽ vẫn còn trong “tài khoản C” của họ ở Nga.

Investitsionnaya Palata, được thành lập vào năm 1993, cho biết họ đang nắm giữ hơn 120 tỷ Rúp (1,3 tỷ USD) tài sản của khách hàng tính đến ngày 1/1 năm nay.

Euroclear, có trụ sở tại Brussels (Bỉ), một trong những cơ quan lưu ký chứng khoán của châu Âu đang nắm giữ chứng khoán nước ngoài của các nhà đầu tư Nga, cho biết họ không đưa ra bình luận nào vì khó đánh giá liệu đề xuất của Moscow có khả thi vào lúc này hay không.

Theo các quan chức EU, Euroclear đã phải đối mặt với hơn 100 vụ kiện ở Nga về tài sản bị đóng băng theo các lệnh trừng phạt của EU. Đồng thời, theo các quan chức nói trên, tài sản phương Tây trị giá 33 tỷ Euro (36 tỷ USD) đã bị phong tỏa tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Quốc gia của Nga và có nguy cơ bị Điện Kremlin tịch thu thông qua các phán quyết của tòa án.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters, Financial Times)